Tai nạn liên hoàn cao tốc Long Thành: Trách nhiệm của đơn vị quản lý đường cao tốc đến đâu?

(SHTT) - Liên quan đến vụ tai nạn trên đường cao tốc khiến 4 người bị thương, nhiều người sau đó đã đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của trách nhiệm Ban quản lý đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây?

Phần đầu ôtô khách bị biến dạng sau vụ va chạm trên cao tốc. Ảnh: VECE. 

Theo thông tin ban đầu của vụ việc, chiều 3/4, nhiều ôtô lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khi đến khu vực thuộc huyện Long Thành (Đồng Nai) thì xảy ra tai nạn liên hoàn do khói mù che khuất tầm nhìn.  

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECE), cho biết vụ tai nạn do khói mù trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây làm 10 xe bị hư hỏng, 4 người bị thương. Trong số các nạn nhân, 3 người được xuất viện, một người bị chấn thương nặng đang được điều trị tại bệnh viện.

Đơn vị quản lý cao tốc xác nhận khói mù tràn lên đường xuất phát từ đám cháy cỏ ở hành lang.

Nhiều người sau đó đã đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của trách nhiệm Ban quản lý đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khi vụ tai nạn xảy ra.

Trao đổi với báo Gia đình & Xã hội, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật Nguyễn Anh) nhận định, cần phải xem xét trách nhiệm Ban quản lý đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vì đây là tuyến đường BOT, có thu phí nên phải có trách nhiệm đảm bảo điều kiện lưu thông.

Khi phát hiện sự cố khói mù mịt uy hiếp sự an toàn của tuyến đường cao tốc thì cần phải có ngay biện pháp cảnh báo an toàn cho các phương tiện đang lưu thông, có thể bằng cách qua VOV giao thông, nhân viên tuần tra trên tuyến đường hướng dẫn cảnh báo…“, luật sư Thơm nói.

Theo luật sư Thơm, tiếp đó là trách nhiệm của người dân đốt rơm rạ gây ô nhiễm. “Những năm gần đây trên phạm vi cả nước, sau khi thu hoạch lúa, người nông dân thường xử lý rơm rạ bằng cách đốt ngay tại ruộng.

 Việc đốt rơm rạ không chỉ làm ô nhiễm môi trường không khí mà còn gây hiện tượng mù khói, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, hạn chế tầm nhìn của người dân khi tham gia giao thông.

Xét hành vi của người đốt cỏ trong vụ việc này là gián tiếp gây ra hậu quả. Để xử lý về hành vi cản trở giao thông trong vụ việc này là không thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm”, luật sư Thơm chia sẻ thêm.

Theo quy định, hành vi đốt cỏ gây khói bụi ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng về hành vi “Tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng”.

Mai Chi (t/h)