Vụ 20 ngôi mộ ở Huế bị kẻ xấu đào phá: Rộ thông tin nghi phạm bị quả báo

(SHTT) - Liên quan đến vụ việc nhiều ngôi mộ ở Huế bị kẻ xấu đào phá, cơ quan chức năng hiện vào cuộc điều tra làm rõ.

Ảnh minh họa. Dân Việt 

Theo thông tin trên tờ Tiền Phong, ngày 4/4, nguồn tin từ UBND xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế), cho biết, cơ quan chức năng hiện vào cuộc điều tra hành vi xâm phạm mồ mả của ông P.A (ngụ xã Lộc Thủy); đồng thời, bác bỏ tin đồn mê tín dị đoan cho rằng kẻ đào phá lăng mộ dòng họ Phan xã Lộc Thủy hiện bị “quả báo”, bị người âm quở phạt, sau khi đối tượng này lâm bệnh nặng phải điều trị tại một bệnh viện ở thành phố Đà Nẵng.

Theo điều tra bước đầu của Công an huyện Phú Lộc, nghi can trong vụ đào phá, xâm phạm hàng chục ngôi mộ ở xã Lộc Thủy lại là con rể của dòng họ Phan. Nghi can P.A cũng đã khai nhận động cơ và hành vi phá hoại của mình. Cách đây không lâu, giữa ông P.A và vợ xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến việc vợ ông A. bỏ nhà đi nơi khác. Chỉ với lý do như vậy, nhưng ông A. lại tìm đến các khu nghĩa trang để đào phá và dùng quần lót của phụ nữ có bôi sơn đỏ treo lên hàng chục bia mộ của dòng họ Phan (dòng họ của vợ ông P.A) để trả thù.

Theo người dân địa phương cho biết, nghi can P.A làm nghề bán vé số dạo, đối tượng này hay uống bia rượu, kéo theo những hành vi, ứng xử không bình thường.

Thông tin trên Dân Việt, trước đó, Công an huyện Phú Lộc nhận được đơn trình báo của người dân thuộc dòng họ Phan ở xã Lộc Thủy về sự việc trên. Qua điều tra, cơ quan công an xác định có 21 ngôi mộ của dòng họ Phan đã bị kẻ xấu xâm phạm nghiêm trọng. 

Cụ thể, những ngôi mộ này bị kẻ xấu sử dụng xẻng để đào phá rồi dùng quần lót phụ nữ được bôi sơn màu đỏ ở đáy quần treo lên trên bia mộ.

Vụ việc này đã gây phẫn nộ trong quần chúng nhân dân ở xã Lộc Thủy, đặc biệt là những người dân thuộc dòng họ Phan ở địa phương này.

Theo thượng tá Trần Đăng Điền, sau thời gian tích cực điều tra, bước đầu cơ quan công an xác định nghi can gây ra vụ xâm phạm mồ mả nói trên là ông P.A (trú thôn Phước Yên, xã Lộc Thủy).

Hiện cơ quan công an đã tiến hành thực nghiệm hiện trường và đang hoàn tất hồ sơ để xử lý vụ việc.

Một nhà nghiên cứu văn hóa Huế chia sẻ, nhiều người quan niệm việc đào phá lăng mộ rồi dùng quần lót phụ nữ bôi sơn đỏ ở đáy treo lên bia mộ là nhằm làm cho tất cả những gia đình có mồ mả bị xâm phạm rơi vào cảnh suy kiệt. Đây là một trong những cách “trấn yểm” ý đồ thâm độc.

Hải Hà (t/h)