Từ ngày 1/7 mỗi lít xăng dầu sẽ ‘cõng’ thuế bảo vệ môi trường kịch khung?

(SHTT) - Bộ Tài chính vừa đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa lên mức trần 2.000 đồng/lít. Đối với xăng Bộ vẫn giữ nguyên đề xuất tăng thuế lên mức trần 4.000 đồng/lít.

Trong Công văn 3366 báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến về dự thảo Nghị quyết biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) của Bộ Tài chính công bố ngày 29/3. Theo đó, Bộ đề nghị điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ 200 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.

Việc tăng này để phù hợp với mức thuế BVMT dự kiến áp dụng đối với các sản phẩm dầu, mỡ nhờn khác. 

Trong khi đó, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên đề xuất tăng thuế BVMT với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; dầu mazut (FO) và dầu nhờn từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, nhiên liệu bay giữ như hiện hành là 3.000 đồng/lít...

Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 4.000 đồng.

Với phương án điều chỉnh trên dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2018. Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh thuế BVMT sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7/2018 (so với tháng 6/2018) khoảng 0,27% - 0,29% và sẽ tác động đến CPI bình quân cả năm 2018 là khoảng 0,11% - 0,15%.

Tuy nhiên, theo Bộ sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng lý giải nguyên nhân tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu là do "thuế nhập khẩu giảm mạnh".

Hiện thuế nhập khẩu với xăng hiện áp dụng là 20% và với các loại dầu là 7%. Tuy nhiên, sau khi thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu, thì mức thuế nhập khẩu ưu đãi thực tế mà Việt Nam thu được với xăng chỉ là 10% và đối với dầu các loại là 0%.

Vì vậy, khi các nhà nhập khẩu chuyển sang nhập các thị trường có mức thuế ưu đãi đặc biệt hơn, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu thực tế liên tục giảm qua các năm.

 

Minh Đan (T/h)