Uber bán mình cho Grab: Số phận khách hàng và tài xế Uber Việt sẽ như thế nào?

(SHTT) - Thông tin Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á đã chính thức được xác nhận. Điều này đã dấy lên nhiều câu hỏi, đó là số phận tài xế Uber Việt và tài khoản Uber sẽ như thế nào? Không ít khách hàng cũng lo lắng trước việc độc quyền và giá cước có thể tăng.

Sáng 26/3, Grab Việt Nam phát đi thông báo vừa mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á.

Hãng này cho biết, đây là thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực. Chi tiết và giá trị của bản hợp đồng không được tiết lộ, chỉ có thông tin Uber vẫn giữ 27,5% cổ phần trong Grab. Grab sẽ tích hợp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đặt xe công nghệ và giao nhận thức ăn của Uber tại Đông Nam Á vào nền tảng công nghệ tài chính và di chuyển đa phương thức hiện có của Grab.

Hiện tại, Đối tác Grab và Uber vẫn hoạt động như bình thường vì ứng dụng Uber sẽ vẫn có mặt tại Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á thêm 2 tuần nữa, cho đến ngày 08/04/2018.

Như vậy, cộng đồng Uber sẽ được chuyển sang ứng dụng Grab vào ngày 8/4. Đồng thời, các tài xế Uber cũng được hứa hẹn tiếp cận với nhiều khách hàng hơn, xa hơn nữa là gia tăng thu nhập một cách tốt nhất sau khi “về một nhà” với Grab.

 

Có thể thấy, Uber và Grab tới Việt Nam, mang theo thói quen sử dụng "xe công nghệ" giá rẻ cho cả tài xế và người dùng. Khách Việt được trải nghiệm loại hình taxi mới mẻ, văn minh, giá cước rẻ hơn taxi truyền thống, chưa kể các đợt khuyến mại giảm giá cước liên tục được hai hãng tung ra. Tuy nhiên, khi Grab đã mua lại Uber và Uber trở thành cổ đông của Grab, không còn lý do gì để Grab khuyến mại mạnh tay, bởi không còn đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Với lượng khách hàng mới từ Uber chuyển sang, không còn nghi ngờ rằng Grab sẽ là thế lực lớn nhất tại thị trường ứng dụng gọi xe Đông Nam Á. Mặt bằng giá mới của dịch vụ gọi xe qua ứng dụng tại thị trường này sẽ do Grab thiết lập, nhiều khả năng cước rẻ cùng khuyến mại khủng cho người dùng sẽ không còn.

Theo một số nguồn tin, chính tập đoàn SoftBank là chất xúc tác lớn nhất trong thương vụ đình đám này. Sở hữu cả cổ phần của Grab, Uber và Didi Chuxing, SoftBank muốn Uber tập trung vào thị trường chiến lược là Bắc Mỹ và châu Âu trong khi Grab sẽ nắm toàn bộ thị trường Đông Nam Á. Điều này góp phần chấm dứt cuộc cạnh tranh khốc liệu mà cả Grab và Uber đều đang hao tiền tốn của.

Số phận tài xế Uber Việt

Trao đổi với PV báo điện tử VTC News, đại diện của Grab Việt Nam cho biết, về cơ bản, Uber vẫn hoạt động độc lập dựa trên ứng dụng di động của mình, các lái xe ô tô hoặc xe máy vẫn hoạt động dưới danh nghĩa là Uber, không cần phải thay đổi hay đăng ký lại ứng dụng trên Grab.

"Khách hàng và lái xe không cần quá lo lắng. Về bản chất, hai ứng dụng Uber và Grab vẫn hoạt động độc lập, nhưng, Grab là đơn vị đại diện của cả hai ứng dụng này ở toàn bộ Đông Nam Á", đại diện Grab nói.

Tức là, nếu bạn đã là lái xe Uber rồi thì không cần chuyển đổi sang Grab. Lái xe Uber vẫn hoạt động dựa trên ứng dụng này tại Việt Nam. Mặt khác, thương hiệu Uber cũng sẽ không biến mất tại Việt Nam, chỉ đổi chủ trở thành một phần trong Grab Việt Nam.

"Trong trường hợp bạn là Uber Bikes và được cấp đồng phục của Uber cũng không cần phải thay đổi đồng phục của Grab", đại diện Grab Việt Nam nói.

Thu Hà (t/h)