Phát huy và nâng cao chất lượng du lịch nông nghiệp xứ Thanh

(SHTT) - Du lịch Thanh Hóa đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ để trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia. Trong đó, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng mạng lưới và hệ thống du lịch.

Đến nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã khai thác, phát triển một số mô hình du lịch nông nghiệp hút khách tham quan, mang lại hiệu quả kinh tế cao gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm tìm hiểu văn hóa như: Nông trại Golden Cow (Thường Xuân), Nông trại Queen Farm (Quảng Xương), Nông trại T-Farm (Đông Sơn), Làng Du lịch Yên Trung (Yên Định), chương trình trải nghiệm trồng rau sạch tại xã Yên Lễ (Như Xuân), mô hình nông nghiệp trồng cây ăn quả công nghệ cao ở các huyện Thạch Thành, Thọ Xuân... Cùng với đó là một số sản phẩm du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở bản Đôn, bản Hiêu, bản Kho Mường (Bá Thước), bản Năng Cát (Lang Chánh)...

Ngoài ra, có rất nhiều sản phẩm OCOP đã trở nên quen thuộc với khách du lịch như chiếu cói Việt Trang (Nga Sơn), nước mắm Bà Hoan (Hoằng Hóa), gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương (Đông Sơn)... Đây được xem là tiền đề quan trọng để các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp theo hướng hoàn chỉnh, từ hoạt động tham quan, ăn uống, trải nghiệm đến mua sắm sản phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch nông nghiệp của tỉnh vẫn còn bộc lộ rõ những hạn chế, khó khăn như: Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ khiến du khách khó tiếp cận điểm đến, sản phẩm; các sản phẩm còn đơn giản, mang tính tự phát, nhỏ lẻ; việc liên kết giữa các địa phương, điểm đến với đơn vị lữ hành, doanh nghiệp trong xây dựng sản phẩm, quảng bá chưa có sự thống nhất...

Nông trại Golden Cow (Thường Xuân)

Với tiềm năng to lớn cùng những yêu cầu phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, một số chuyên gia du lịch cho rằng, tỉnh Thanh Hóa cần có những phân tích cụ thể, đánh giá hiện trạng, cơ hội và thách thức. Từ đó, đề ra định hướng và giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển loại hình du lịch này ở cả miền núi, đồng bằng và vùng biển của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Đức Thuận cho rằng: “Trước hết cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản phẩm chủ lực trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Cùng với đó, tập trung triển khai chương trình OCOP để phát triển các sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương, sản phẩm khu vực nông thôn trở thành hàng hóa đạt tiêu chuẩn, qua đó nhằm khẳng định thương hiệu sản phẩm gắn với sự kết tinh giá trị văn hóa xứ Thanh. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề theo hướng chuyển từ hoạt động kinh tế đơn thuần thành điểm tham quan du lịch và chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho khách du lịch”.

Tại Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung, du lịch nông nghiệp trong thời gian gần đây đã nổi lên như một xu hướng du lịch trong tình hình mới. Bên cạnh xu hướng chung, phát triển du lịch ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh hiện đang tập trung vào một số khía cạnh chính như: Khai thác giá trị nổi bật của hoạt động sản xuất nông nghiệp để hình thành điểm đến và sản phẩm du lịch; liên kết chuỗi giá trị để gia tăng trải nghiệm của khách du lịch; hài hòa lợi ích của các bên tham gia, đồng thời gắn liền với lợi ích của cộng đồng địa phương; ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào xây dựng và quảng bá điểm đến...

Bảo Bình