EU thông qua dự luật Trí tuệ nhân tạo đầu tiên

(SHTT) - Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã thông qua quy định toàn diện đầu tiên nhằm quản lý trí tuệ nhân tạo sau nhiều cuộc đàm phán khó khăn.

Theo thông tin từ truyền thông quốc tế, ngày 3/2 vừa qua, 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt các quy tắc mang tính bước ngoặt về thỏa thuận quản lý trí tuệ nhân tạo (AI).

Các quốc gia và nhà lập pháp EU đã đồng ý về một bộ quy tắc dự thảo vào tháng 12/2023, được coi là luật toàn diện đầu tiên trên thế giới để quản lý AI và việc phê duyệt này lẽ ra chỉ mang tính hình thức.

Tuy nhiên, một số quốc gia, trong đó có Pháp và Đức, đã bày tỏ ý kiến làm dấy lên lo ngại luật AI sẽ thất bại trong giai đoạn cuối và dẫn đến một vòng đàm phán mới về nội dung của luật.

Các quan chức EU cuối cùng đã ký vào văn bản này trong cuộc họp diễn ra hôm 2/2 ở Brussels (Bỉ) sau khi những lo ngại của Pháp và Đức được xoa dịu.

Ủy viên phụ trách thị trường nội khối của EU Thierry Breton nhận định, việc thông qua các quy tắc AI có ý nghĩa lịch sử. ChatGPT đã chứng minh những tiến bộ chóng mặt của AI và cho thấy, công nghệ này có tính sáng tạo, dù đặt ra nhiều mối đe dọa nhưng cũng mở ra những cơ hội mới.

Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu về văn bản này vào tháng 3 hoặc tháng 4, sau đó sẽ được chính thức phê duyệt vào tháng 5.

Tuy nhiên, luật này sẽ không có hiệu lực ngay lập tức. Một số quy tắc sẽ được áp dụng trong vòng 6 tháng, trong khi các yếu tố khác sẽ có hiệu lực sau 2 năm.

 

Được biết, trước đó, vào tháng 4/2021, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất khung pháp lý đầu tiên của EU đối với AI. Đề xuất này nhằm tập trung vào một số mục tiêu cụ thể như bảo đảm để các hệ thống AI được đưa vào thị trường EU tuân thủ luật pháp hiện hành của khối, bảo đảm sự chắc chắn về mặt pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và đổi mới AI, tăng cường quản trị và thực thi hiệu quả luật pháp EU về các quyền cơ bản và yêu cầu an toàn cho hệ thống AI, tạo điều kiện phát triển một thị trường chung cho các ứng dụng AI hợp pháp, an toàn và đáng tin cậy cũng như ngăn chặn sự phân mảnh của thị trường.

Theo dự luật, EC đề xuất thiết lập các tiêu chí phân loại các hệ thống AI dựa trên mức độ rủi ro mà chúng có thể gây ra cho người dùng, gồm các cấp độ: Rủi ro không thể chấp nhận được, rủi ro cao, rủi ro hạn chế, rủi ro thấp. Việc không tuân thủ các quy định có thể dẫn đến mức phạt từ 35 triệu euro hoặc 7% doanh thu toàn cầu, tùy thuộc hành vi vi phạm và quy mô của các công ty. EP cũng đã đề xuất thành lập Văn phòng AI, một cơ quan mới của EU để hỗ trợ việc áp dụng hài hòa đạo luật AI, cung cấp hướng dẫn và điều phối các cuộc điều tra chung xuyên biên giới.

Các chuyên gia đánh giá, với việc EU thông qua dự luật Trí tuệ nhân tạo đầu tiên, nền kinh tế thế giới, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất chip AI sẽ có sự tăng trưởng ngoạn mục trong những năm sắp tới.

"Đạo luật AI" đã được EU gấp rút xây dựng sau khi chatbot ChatGPT bùng nổ vào cuối năm 2022. Mặc dù khả năng tạo ra các bài tiểu luận và bài thơ của ChatGPT là màn trình diễn ấn tượng về những tiến bộ nhanh chóng của AI, nhưng giới chuyên môn tỏ ra lo lắng về cách công nghệ này có thể bị lạm dụng. Cùng với đó, các phần mềm AI phái sinh, bao gồm chatbot Bard của Google, đã có thể nhanh chóng tạo ra văn bản, hình ảnh và âm thanh từ các lệnh đơn giản bằng ngôn ngữ hằng ngày.

Khánh An