Lào Cai: Bò vàng Mường Khương được trao chứng nhận nhãn hiệu tập thể

(SHTT) - Mới đây, UBND huyện Mường Khương đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ công bố văn bằng bảo vệ nhãn hiệu tập thể “Bò vàng Mường Khương”.

Việc công bố nhãn hiệu tập thể “Bò vàng Mường Khương” chính là điều kiện, cơ hội tốt cho huyện Mường Khương giới thiệu, quảng bá giống bò vàng ra thị trường, đồng thời thúc đẩy hoạt động chăn nuôi theo quy hoạch, mang lại hiệu quả cao cho các hộ chăn nuôi, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Dịp này, Hội Nông dân huyện Mường Khương - đơn vị chủ sở hữu và quản lý nhãn hiệu tập thể - đã trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Bò vàng Mường Khương” cho 49 cá nhân trên địa bàn toàn huyện.

Được biết, bò vàng Mường Khương là giống bò to, khỏe, chịu được điều kiện khí hậu lạnh giá, khắc nghiệt của vùng núi cao. Mường Khương là một trong số các địa phương có điều kiện thích hợp để chăn nuôi giống bò này. Tính đến tháng 4/2023, trên địa bàn huyện có 3.460 con, chủ yếu ở các xã vùng cao như Pha Long, Dìn Chin, Tả Gia Khâu.

 

Có thể thấy, thời gian qua, các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Lào Cai được bảo hộ thương hiệu đã phát huy giá trị riêng có, ưu việt của mình; sản phẩm hàng hóa được đóng gói và có tem nhãn ghi rõ xuất xứ, mang lại uy tín, chất lượng và giữ vững được thương hiệu trên thị thường.  

Để có sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ, chính bản thân các nhà sản xuất, hội, ngành hàng sản xuất đã có cơ chế giám sát lẫn nhau ngay từ ban đầu, để khi sản phẩm xuất bán ra thị trường đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất, người tiêu dùng.

Giữ vững và sử dụng có hiệu quả thương hiệu các sản phẩm đã bảo hộ, rà soát, lựa chọn sản phẩm tiềm năng để đầu tư áp dụng khoa học - kỹ thuật nhằm tạo sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng, từng bước phát triển, nâng cấp lên mức độ bảo hộ cao hơn, phát huy tối đa lợi thế của nhãn hiệu sản phẩm. Lựa chọn một số mô hình điểm, tiêu biểu về tạo lập, quản lý, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh để tập trung tuyên truyền, quảng bá và nhân rộng.

Ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm theo chuỗi, áp dụng đồng bộ các giải pháp từ giống, sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối giao thương và tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm đầu tư công nghệ bảo quản - chế biến cho các sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp, nhằm kéo dài thời gian tiêu thụ, đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm gia tăng giá trị hàng hóa.

Hà Anh