Thị trường bánh kẹo Tết Nguyên đán: Hàng Việt lên ngôi

(SHTT) - Những ngày gần Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường bánh, mứt, kẹo trở nên sôi động. Tuy nhiên thay vì chọn các mặt hàng ngoại vào giỏ quà tết như mọi năm thì năm nay, người tiêu dùng trong nước có xu hướng ưu tiên chọn hàng Việt để làm quà biếu tặng.

Hiểu được điều đó, các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất mặt hàng bánh mứt kẹo trong nước đang tung ra thị trường sản phẩm rất đa dạng phong phú, bao bì mẫu mã rất ấn tượng, giá cả, chất lượng hợp lý. Điều này sẽ góp phần làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, chuyển sang lựa chọn sản phẩm nội địa.

Để cạnh tranh với hàng ngoại nhập, nhiều thương hiệu trong nước đã tung ra nhiều sản phẩm mới như kẹo mềm ngũ quả, phúc lộc thọ, phát tài, phát lộc với ý nghĩa mang đậm chất truyền thống, có ý nghĩa sum họp gia đình dịp Tết. Cùng với đó, nhiều mẫu đặc biệt mang ý nghĩa may mắn như hộp kẹo hình thỏi vàng, hoa mai, đồng tiền may mắn… cũng được ra mắt trong dịp này. Riêng các loại bánh cao cấp hộp thiếc có bao bì khá sắc sảo, không thua kém hàng ngoại nhập, giá cả cũng phải chăng. Về giá cả, năm nay các loại bánh kẹo hầu như không tăng so với năm trước. Một số sản phẩm cao cấp hơn giá tăng khoảng 5-10%. Giá các loại bánh kẹo thường dao động từ vài chục cho tới vài trăm nghìn đồng/hộp tùy loại.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng đầu tư công nghệ, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng các sản phẩm, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, qua đó chú trọng trong công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, thiết kế các mẫu mã, bao bì, đóng gói phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Đáng chú ý, một số sản phẩm hàng Việt còn có khả năng cạnh tranh được với hàng nước ngoài.

 

Về công tác phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết đang tích cực làm việc với các địa phương về chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cuối năm và dịp tết 2024. Trên thực tế, nguồn hàng phục vụ Tết rất dồi dào, không chỉ về số lượng mà còn phong phú chủng loại. Thậm chí, nguồn cung rất nhiều nên các thành phố lớn đang đẩy mạnh kích cầu để tăng sức mua.

Theo đó, ngành công thương Hà Nội đã lên phương án dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỉ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023. Trong đó ưu tiên hàng Việt Nam và đặc sản vùng, miền. Cụ thể, TP.Hà Nội dự trữ 58.500 tấn thịt lợn, 292.000 tấn gạo, 19.500 tấn gia cầm, 16.200 tấn thịt bò, 390 triệu quả trứng, 325.500 tấn rau củ, 16.260 tấn thủy sản, 16.260 tấn thực phẩm chế biến, 1.500 tấn bánh kẹo...

Tuy nhiên bánh kẹo là một trong những mặt hàng bị làm nhái nhiều nhất, từ hình thức đến nội dung với mức độ tinh vi. Cảnh báo tới người dân về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết: "Với riêng bánh, mứt, kẹo, để ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng thường gia tăng vào dịp Tết, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ hoạt động sản xuất, mua bán, khu vực tập kết hàng hóa của tư thương nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các sai phạm", ông Kiên nhấn mạnh.

Hà Anh