Làng gốm Thanh Hà chuẩn bị linh vật rồng độc đáo nghênh Xuân đón Tết Giáp Thìn

Trên bến dưới thuyền làng gốm Thanh Hà tháng Chạp rất đông du khách Pháp, Hàn Quốc về tham quan. Những người nghệ nhân vừa tất bật hướng dẫn khách tham quan, trải nghiệm vừa sản xuất linh vật rồng bằng gốm đặt đầu làng để nghênh Xuân đón Tết.

Trời chiều, hàng chục thuyền ghe vẫn liên tục về bên bến thủy nội địa làng Nam Diêu, phường Thanh Hà.

Đi theo đường bên sông Thu Bồn, du khách ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mới lạ của cung đường gốm. Nơi các nghệ nhân trổ tài nghệ thuật làm gốm làng nghề hơn 500 năm tuổi với những tác phẩm tường gốm, bình hoa với cây hoa cúc bằng gốm tinh xảo, xe kéo bằng gốm, cây đa bến nước khổng lồ cùng 12 linh vật với những sắc thái khác nhau nối dài con đường ven sông.

Những trụ đèn ở Nam Diêu cũng treo đầy những tác phẩm gốm từ đầu làng đến cuối khúc sông Thu Bồn qua làng tạo nên một không gian riêng biệt của gốm.

Ông Lê Văn Nhật đang chế tác bình gốm có linh vật rồng độc đáo để đặt đầu làng Thanh Hà nghênh Xuân đón Tết Giáp Thìn

Bên trong từng ngõ nhỏ, khung cảnh sản xuất, du khách trải nghiệm với những công đoạn của một người nghệ nhân rôm rả, nhộn nhịp một buổi chiều quê.

Ông Lê Văn Nhật (SN 1988) chăm chú tỉa vẽ từng vây, móng vuốt, đuôi rồng. Vừa ngắm nghía lại bùng binh có linh vật do mình làm vừa kể, từ lớp 9 ông đã làm gốm với những sản phẩm tò he với sự hướng dẫn của ba mẹ. Lớn lên, ông Nhật ra phố đi học rồi thỉnh thoảng về làm phụ giúp những công việc nhỏ nhặt nhưng vẫn chưa hiểu kỹ về nghề truyền thống của gia đình.

Tấp nập du khách tham quan làng gốm Thanh Hà bằng đường thủy mặc dù đường này hiện Tổ Quản lý làng gốm phường Thanh Hà vẫn đang dán bảng chưa được công bố hoạt động và đề nghị phương tiện không được đón khách. Tuy nhiên theo người dân, nếu không có đường sông du khách sẽ không chọn đến Thanh Hà tham quan. 

Đến năm 2015, ba của ông Nhật gặp một tai nạn khiến sức khỏe yếu dần nên ông Nhật quyết định trở về quê hương Thanh Hà làm nghề gốm gia truyền vừa chăm sóc ba mẹ tuổi già.

Hình linh vật được ông Nhật chế tác ôm lấy bình gốm với thân hình uốn lượn uyển chuyển và sống động như một linh vật sống hoàn thiện dần sau 20 ngày miệt mài chế tác.

Mỗi họa tiết của linh vật đều được làm tỉ mỉ, đặc biệt công đoạn giữ ẩm để linh vật bám chắc vào bình gốm là nghệ thuật.

Ông Nhật cho hay bắt đầu từ tháng 11 hàng năm, ông đều làm linh vật cho làng gốm Thanh Hà theo đơn đặt hàng của UBND phường. Bên cạnh đó, ông cũng tạo ra nhiều sản phẩm có linh vật khác với kích thước nhỏ hơn để bán cho du khách.

Bình gốm linh vật rồng ông Nhật chế tác có kích thước 70x55cm. “Khó nhất trong làm bình gốm có linh vật là giữ ẩm cho bình gốm và linh vật. Đó là sự kết hợp theo tỉ lệ 5:5 để linh vật và bình gốm đều không khô quá, không ướt quá. Khi nung lên sẽ vẫn gắn kết chứ không rời rạc, bung, nứt. Du khách họ xem quá trình chế tác cũng rất vui vẻ và thích thú”, ông Nhật nói.

Một số sản phẩm có hình linh vật khác.

Ngoài tác phẩm rồng quấn bình gốm, mỗi tháng cơ sở sản xuất gốm của gia đình ông Nhật cho ra lò 1000 tò he mang hình 12 con giáp, bán tại quầy lưu niệm.

“Lúc trước, nghề gốm đang tàn lụi dần do gốm Trung Quốc tràn lan nhưng từ ngày làng gốm Thanh Hà bắt đầu có bán vé cho khách tham quan giúp chúng tôi có tiền lương, sống được ổn định với nghề hơn nên tôi về làm cùng gia đình”, ông Nhật chia sẻ thêm.

Du khách thích thú về thăm và mua sản phẩm ở làng gốm Thanh Hà.

Nhiều cơ sở khác cũng tập trung nặn đất sét tạo hình linh vật rồng với những sản phẩm khác nhau để đón khách đến làng gốm Thanh Hà dịp Tết Giáp Thìn.

Ông Nguyễn Văn Hoàng (SN 1983, phường Nam Diêu) cho hay: “Hàng năm, nghệ nhân trong làng làm tượng linh vật Tết trưng bày ở làng gốm. Năm nay anh cũng nặn linh vật rồng để trưng bày và bán cho khách du lịch. Hai con rồng bằng gốm lớn đang hình thành nhưng thu hút nhiều du khách tới xem".

Xem các nghệ nhân chế tác gốm tại làng gốm Thanh Hà.

Theo ông Hoàng, dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 ngoài linh vật rồng gia đình sẽ sản xuất thêm khoảng 6000 con tò he. Bên cạnh những sản phẩm tò he với màu gốm đỏ truyền thống, gia đình ông Hoàng và nhiều cơ sở sản xuất gốm làng Nam Diêu, phường Thanh Hà còn cho du khách trải nghiệm tô màu, sáng tạo các chi tiết, tráng men cho tò he.

Tò he linh vật là một trong những sản phẩm bán chạy tại làng gốm dịp Tết.

Làng gốm Thanh Hà phong phú nhiều mặt hàng gốm song được chuộng nhất vào dịp Tết là những sản phẩm lưu niệm như tò he 12 con giáp, niêu đất, bình hoa, nồi.

“Tôi sáng tạo nhiều sản phẩm có hình rồng và du khách tỏ ra rất thích thú mua làm quà” ông Nguyễn Văn Xê (Sinh năm 1958) cho hay sau mấy năm Đại dịch Covid-19 đến nay ông bắt đầu cảm nhận được sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch làng gốm Thanh Hà.

Linh vật trên gốm Thanh Hà.

Làng gốm Thanh Hà hiện có hơn 30 cơ sở sản xuất, 68 lao động tham gia sản xuất trực tiếp. Tất cả lao động của làng nghề đều được nhận lương dựa trên mức độ đóng góp, tham gia vào hoạt động du lịch của làng.

 Rất đông du khách về làng gốm Thanh Hà tham quan.

Năm 2023, ước tính tổng lượng khách mua vé tham quan làng gốm Thanh Hà đạt hơn 550.000 lượt, doanh thu hơn 19,2 tỷ đồng, tăng hơn 317 % so với cùng kỳ năm 2022 và là mô hình du lịch làng nghề hiệu quả nhất hiện nay ở Quảng Nam và cả nước.

 Linh vật được đặt dọc đường bên sông vào làng Nam Diêu.

Chúng tôi ra về khi mặt trời khuất bóng, trong những cơ sở sản xuất làng nghề vẫn tiếp tục đỏ lửa rực hồng. Các nghệ nhân không ngừng nắn nót những họa tiết trên các bình gốm với cả mùa xuân ấm rực trong mỗi bàn tay khéo léo và tài hoa tạo nên những tác phẩm gốm mới, lạ.

Bảo Hòa