Cảnh giác trước hình thức giả mạo phòng an ninh mạng hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo trực tuyến

(SHTT) - Lợi dụng tâm lý lo sợ và tiếc của các các nạn nhân bị lừa tiền trên môi trường Internet, nhiều đối tượng trong thời gian gần đây đã giả mạo là nhân viên phòng an ninh mạng hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo trực tuyến.

Thời gian cần đây, trên mạng xã hội facebook xuất hiện nhiều tài khoản giả mạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao hoặc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an để hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng. Do đó, nhiều nạn nhận đã bị lừa nay lại tiếp tục “sập bẫy” các đối tượng mạo danh là cán bộ An ninh mạng hỗ trợ việc thực hiện thu hồi tiền bị lừa đảo.

Theo đó, đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng đã giả danh cán bộ An ninh mạng để hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo.

Với lời giới thiệu sẽ hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa với thủ tục nhanh chóng hiệu quả thủ tục đơn giản, cam kết lấy lại được tiền. Thay vì đến cơ quan Công an trình báo, người bị lừa lại lên mạng xã hội để nhờ các đối tượng giả danh cán bộ An ninh mạng hỗ trợ lấy lại tiền. Lúc này, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân đóng phí để hỗ trợ hoặc làm nhiệm vụ để rút tiền treo trên hệ thống. Khi có người chuyển tiền, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về.

 

Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Theo đánh giá của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Đặc biệt trong thời gian gần đây, các đối tượng sử dụng nhiều hình thức ngày càng tinh vi, đánh vào tâm lý liên quan đến vấn đề pháp luật để thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng lừa đảo liên tục chạy quảng cáo, gửi tin nhắn, giả dạng các thương hiệu, nhãn hàng có tiếng để thu hút những người đang có nhu cầu tìm việc. Từ đó, các đối tượng dụ dỗ nạn nhân làm nhiệm vụ như xem video, mua đơn hàng ảo, đánh giá doanh nghiệp để nhận thưởng. Trong khi đó, nhiều nạn nhân vì thấy việc kiếm tiền quá đơn giản nên lơ là mất cảnh giác, lúc này kẻ lừa đảo dụ dỗ họ đóng phí để “nâng cấp gói nhiệm vụ” nhằm nhận được nhiều phần thưởng lớn hơn.

Với chiêu trò này, nhiều nạn nhân đã bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền đến hàng trăm triệu đồng. Rơi vào bẫy lừa đảo, dẫn đến tâm lý “tiếc của”, hoang mang, nhiều người chia sẻ câu chuyện này lên mạng xã hội với mong muốn tìm người giúp đỡ lấy lại tài sản thì tiếp tục bị lừa đảo một lần nữa.

Theo đó, chỉ cần tìm kiếm trên Facebook với từ khóa “lấy lại tiền lừa đảo” ngay lập tức xuất hiện nhiều nhóm với hàng ngàn đến hàng chục ngàn thành viên, công khai quảng cáo giúp lấy lại tiền. Thực tế, các đối tượng sử dụng phần mềm phát tán các tin nhắn, hình ảnh chứng minh các vụ việc đã lấy lại được tài sản để tạo lòng tin cho các nạn nhân, tiếp đó dẫn dụ họ bằng nhiều “màn kịch” khác nhau.

Nếu không đủ tỉnh táo và sập bẫy, các nạn nhân đã bị lừa, lại tiếp tục mất thêm tiền.

Khánh An