Ngăn chặn khoai tây Trung Quốc “đội lốt” khoai tây Đà Lạt

(SHTT) - Theo đó, trước mắt Sở NN&PTNT Lâm Đồng hỗ trợ in ấn 200.000 bao bì (loại 2kg và 5kg) để nhận diện khoảng 700 tấn khoai tây Đà Lạt trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Theo Thương Hiệu và Công Luận, những năm qua, rất nhiều chủ đầu mối các vựa nông sản đã nhập khoai tây Trung Quốc về chợ nông sản Đà Lạt, bán lại cho hàng chục tiểu thương khác đang kinh doanh ở đây. Giá nhập khẩu khoai tây Trung Quốc hiện nay chỉ từ 1.850-2.000 đồng/kg, sau khi dùng thủ thuật để “biến” khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt bằng cách bôi đất đỏ, tẩy rửa, làm cho khoai tây có màu đỏ nhạt, rồi đưa đi khắp nơi tiêu thụ với tên gọi “khoai tây Đà Lạt” thì bị đẩy lên cao gấp 5-7 lần.

Trong thời điểm khoai tây Đà Lạt khan hiếm hoặc giá cao như hiện nay, gần như 100% hộ kinh doanh đều kinh doanh khoai tây Trung Quốc. Rất nhiều lần cơ quan chức năng lên tiếng “sẽ tăng cường các biện pháp” nhằm quản lý chặt mặt hàng này, song với trợ lực từ chính những thương lái Việt, cũng không ít lần tiếp tay cho thương lái nước ngoài vượt qua hàng rào mong manh của đội quản lý thị trường đã dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười. Thực trạng này, đang khiến khoai Đà Lạt mất giá trầm trọng trong mắt người tiêu dùng, về lâu dài mất thương hiệu là điều khó tránh khỏi.

Nhuộm đất đỏ biến khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt. Ảnh Tiền Phong 

 Trước thực trạng trên, nhằm ngăn chặn tình trạng “đội lốt” nông sản Đà Lạt, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt đã từng chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyệt đối không cho khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt.

Mới đây, tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, lãnh đạo tỉnh này vừa ra quyết định phê duyệt đề án thí điểm nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt của Sở NN&PTNT Lâm Đồng.

Theo đó, trước mắt Sở NN&PTNT Lâm Đồng hỗ trợ in ấn 200.000 bao bì (loại 2kg và 5kg) để nhận diện khoảng 700 tấn khoai tây Đà Lạt trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Đối tượng được hỗ trợ, bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân, cơ sở trực tiếp sản xuất, thu mua, kinh doanh sản phẩm khoai tây được trồng tại thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng.

Sở NN&PTNT Lâm Đồng sẽ phối hợp với sở, ngành liên quan làm 10.000 tờ rơi, 500 poster hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt khoai tây Đà Lạt với khoai tây từ các nguồn khác trên thị trường.

Về lâu dài, tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khoai tây Đà Lạt từng bước tự in ấn bao bì sản phẩm theo mẫu trước khi đưa ra thị trường giúp người tiêu dùng nhận diện, mua đúng sản phẩm khoai tây Đà Lạt.

PV (t/h)