Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần quan tâm tới các chính sách về y tế

(SHTT) - Một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm đến dự thảo Luật thủ đô sửa đổi chính là những chính sách về y tế. Các chính sách phải phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô qua từng giai đoạn cụ thể.

 Chia sẻ về y tế của Thủ đô, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho biết Hà Nội là nơi tập trung rất nhiều các bệnh viện, không chỉ là cấp TP mà còn là cấp quốc gia. Các bệnh viện trung ương nổi tiếng đều có mặt ở Hà Nội. Điều đó đồng nghĩa với việc hệ thống trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế đều rất tốt, đó là một lợi thế không được đánh mất.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, y tế Thủ đô phục vụ không chỉ cho người dân Thủ đô mà phục vụ cho cả nước. Vì vậy phải có nghiên cứu khoa học, triển khai những kỹ thuật rất hiện đại để TP trở thành trung tâm y khoa nổi tiếng của thế giới.

Với thực tế này, ông kiến nghị cần phải có những trung tâm y tế cực lớn, tầm cỡ của quốc tế đóng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Đó là một tổ hợp gồm nhiều bệnh viện, nhiều chuyên khoa đầu ngành. Đồng thời, cần thiết lập một mạng lưới các trạm y tế, các phòng khám, các bệnh viện nhỏ, lan tỏa, len lỏi được vào các khu dân cư, các đường phố có nhân dân sinh sống để khi có người gặp phải bất kỳ tình huống nào, từ việc bị bỏng nước sôi, bị chó cắn hoặc một cháu bé bị sốt thì chỉ trong vòng 15 phút đã tiếp cận được cơ sở đó. 

 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng tán thành với việc dự thảo Luật quy định về việc tạo cơ chế thúc đẩy phát triển y học gia đình. Ông cho biết việc xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình là rất cần thiết. Các bác sỹ gia đình sẽ phụ trách hồ sơ sức khỏe, nắm được tình hình sức khỏe của từng gia đình, qua đó phục vụ tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Ông cũng đồng ý khi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để phát triển hoạt động khám, chữa bệnh y học gia đình trên cơ sở nguồn kinh phí bảo hiểm y tế được giao dự toán cho TP, phù hợp với các quy định của Luật Khám, chữa bệnh.

Trước đó, GS.TS.BS Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội cũng đã có những góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về lĩnh vực y tế tại hội thảo khoa học. Ông cho hay việc sửa đổi Luật Thủ đô cần quán triệt các quan điểm, định hướng Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Việc sửa đổi Luật Thủ đô trong lĩnh vực y tế phải xuất phát từ thực trạng, tính đặc thù, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô qua từng giai đoạn cụ thể.

Cụ thể, trong điều 27 của dự thảo Luật về “Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe của nhân dân”, theo GS.TS Tạ Thành Văn, việc sửa đổi này tập trung vào những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội và có trọng tâm, trọng điểm. Ví dụ cần có các chính sách, cơ chế sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bởi lẽ Thủ đô Hà Nội mặc nhiên được “tận hưởng” nguồn nhân lực chất lượng cao nhất của đất nước, thuộc các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội, trong các lĩnh vực như quy hoạch quản lý đô thị, giao thông đô thị và quản lý xử lý môi trường, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ...

Bên cạnh đó, Hà Nội cần ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của đất nước thuộc các bệnh viện, trường đại học y dược trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội. Các chính sách này không chỉ tạo động lực cho Thủ đô tận dụng được đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao nhất của đất nước mà còn tiết kiệm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, tránh chồng chéo, lãng phí.

Ngoài ra, Luật sửa đổi cần bổ sung cơ chế, chính sách cho việc chuyển vượt tuyến thuận lợi khi tuyến dưới không thực hiện được các nhiệm vụ chuyên môn. Cơ chế tính toán chi phí và phân bổ tài chính cũng không nên tập trung vào các cơ sở y tế tuyến trên. Việc đầu tư cho tuyến y tế cơ sở kết hợp với phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình không chỉ góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên mà còn bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, bền vững, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn. Vì vậy, dự thảo cần làm rõ hơn việc xây dựng hệ thống y tế, y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế gia đình gắn với cơ chế đặc thù cho y tế Hà Nội.

Hương Mi