Indonesia: Chuyến bay thương mại đầu tiên sử dụng nhiên liệu phản lực pha dầu cọ

(SHTT) - Ngày 27/10, Indonesia đã thực hiện vận hành chuyến bay thương mại đầu tiên sử dụng nhiên liệu phản lực pha dầu cọ.

Garuda Indonesia là đơn vị vận hành chuyến bay này, sử dụng máy bay Boeing 737-800NG. Ông Irfan Setiaputra, Giám đốc điều hành Garuda Indonesia, cho biết, chuyến bay chở hơn 100 hành khách có hành trình khoảng 550 km từ thủ đô Jakarta đến thành phố Surakarta. Máy bay có lịch trình trở về Jakarta ngay trong ngày.

 Chuyến bay đầu tiên của Indonesia được sử dụng nhiên liệu pha dầu cọ

Trước khi thực hiện chuyến bay này, Garuda Indonesia đã tiến hành thử nghiệm tĩnh, thử nghiệm động cơ trên mặt đất từ tháng 7/2023 và hoàn tất chuyến bay thử nghiệm sử dụng nhiên liệu phản lực sinh học từ dầu cọ trên máy bay Boeing 737-800NG hôm 10/10.

 Những quả cọ mới thu hoạch nằm trên mặt đất tại một đồn điền ở Indonesia, nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới. (Ảnh: EPA-EFE)

Giám đốc điều hành Garuda cho hay, chiếc máy bay đã bay hơn 130 km từ thủ đô Jakarta đến huyện Pelabuhan Ratu của tỉnh Tây Java vào tuần đầu tháng 10, sử dụng nhiên liệu máy bay có chứa 2,4% hàm lượng dầu cọ. Ông Irfan nói rằng với những kết quả này, Garuda Indonesia sẵn sàng khám phá việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững trên các chuyến bay thương mại trên cơ sở một nghiên cứu toàn diện.

Trước chuyến bay thử nghiệm nói trên, Garuda Indonesia đã tiến hành thử nghiệm tĩnh và thử nghiệm động cơ trên mặt đất từ tháng 7/2023.

Nhiên liệu phản lực pha dầu cọ do Công ty năng lượng nhà nước PT Pertamina sản xuất tại nhà máy lọc của công ty ở Cilacap. Nhiên liệu này sử dụng este đã qua xử lý hydro và công nghệ axit béo (HEFA) và được làm bằng dầu cọ tinh chế.

Indonesia đang thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi hơn các loại nhiên liệu sinh học từ dầu cọ trong nỗ lực nhằm giảm nhập khẩu dầu thô. Năm 2021, quốc gia Đông Nam Á này từng thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên với loại nhiên liệu tương tự trên chiếc máy bay do hãng Dirgantara của Indonesia chế tạo.

PV