Cách đọc một bức ảnh cùng Hoa Ta Gallery

"Làm thế nào để hiểu một bức ảnh?", "Bức ảnh này có gì đặc biệt?", đó là những câu hỏi thường được nhiều người đặt ra khi xem triển lãm ảnh.

Tại IDECAF - Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp (TP.HCM), tọa đàm "Tìm hiểu ngôn ngữ nhiếp ảnh" được tổ chức bởi Hoa Ta Gallery – một Gallery chuyên về nhiếp ảnh nghệ thuật. Các chuyên gia đã đưa ra một số phương pháp để gợi mở cách đọc, luận và cảm thụ ảnh.

Theo ông Bạch Nam Hải – Trưởng ban tổ chức tọa đàm, Hoa Ta mong muốn đưa bộ môn nhiếp ảnh đến gần với công chúng, xây dựng thị trường nhiếp ảnh rộng mở hơn và phong phú, minh bạch, sâu sắc hơn để đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần cũng như thẩm mỹ của xã hội trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, việc chia sẻ kiến thức và cập nhật thông tin về nhiếp ảnh là một phần trách nhiệm xã hội mà Hoa Ta Gallery thấy mình cần đảm nhiệm.

"Trong vô vàn kiến thức nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Khánh và Hoa Ta hiểu được tầm quan trọng cũng như mức độ phức tạp của việc phổ cập ngôn ngữ nhiếp ảnh không chỉ cho người chụp ảnh, mà còn cho cả người thưởng thức nhiếp ảnh. Cho nên chúng tôi chọn chủ đề "Tìm hiểu ngôn ngữ nhiếp ảnh" để tạo dấu ấn đầu tiên cho Hoa Ta tại sân chơi IDECAF", ông Hải nói.

Nhiều người thích thú với hoạt động xem và bàn luận về ảnh. Ảnh: Quang Bách

Nếu như thơ văn đều có một ngôn ngữ của riêng mình thì nhiếp ảnh cũng vậy. Ngôn ngữ của nhiếp ảnh dựa trên yếu tố thị giác.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Khánh – nhiếp ảnh gia, nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) – cho rằng các yếu tố trong cách tạo hình của nhiếp ảnh cũng gắn liền với các yếu tố của nghệ thuật thị giác.

Theo ông Khánh, những yếu tố cơ bản của nghệ thuật thị giác bao gồm đường nét, hình dạng, sắc độ, màu sắc, mô típ/họa tiết, kết cấu chất liệu, hình khối (form), tương phản. Đối với người chụp, những yếu tố này được xem là nền tảng để tạo nên một bức ảnh và đối với người xem cũng là nền tảng để phân tích bức ảnh.

Chẳng hạn màu sắc là yếu tố thị giác tạo ra hiệu ứng mạnh nhất tới cảm xúc của con người. Người chụp ảnh có thể sử dụng màu sắc để tạo ra tâm trạng hay bầu không khí cho một tác phẩm.

Khi xem một bức ảnh, những đường cong có thể tạo cho người thưởng thức cảm giác thoải mái và dễ chịu, đường ngang gợi ra những khoảng cách và sự bình lặng, đường dọc gợi ra độ cao và sức mạnh, đường chéo gợi ra chuyển động và sự phát triển, các đường răng cưa tạo ra sự bất ổn và lo âu

"Khi hiểu các yếu tố trong nghệ thuật thị giác, người xem ảnh có thể hiểu được ý nghĩa của màu sắc, đường nét,… từ đó có thể hiểu được được suy nghĩ của người chụp. Tại triển lãm, người hướng dẫn có thể dùng yếu tố trong nghệ thuật thị giác để khơi gợi cho người xem đọc và hiểu được ảnh", ông Khánh nói.

Ông Bạch Nam Hải - nhiếp ảnh gia - cũng đưa ra một số mẹo khi xem ảnh. Ảnh: Quang Bách

Còn theo ông Bạch Nam Hải – nhiếp ảnh gia cũng đưa ra một số mẹo khi xem ảnh như quan sát, suy luận và chiêm nghiệm. Mỗi bức ảnh hay bộ ảnh đều cho ta một câu chuyện nhất định, với lượng ảnh rất nhiều và lớn, người xem cần học được cách chắt lọc để hiểu được câu chuyện nhanh hơn.

Bước sang thời kỳ đương đại, người xem ảnh cần đặt ra những câu hỏi như trong ảnh có ai? Ai là người chụp – đây là yếu tố quan trọng, vì hiện nay trí tuệ nhân tạo cũng có khả năng tạo ra được một bức ảnh. Ảnh được chụp ra làm sao? Thời đại, hoàn cảnh sáng tác ra bức ảnh như thế nào?

"Giải quyết được những câu hỏi trên, người xem sẽ có thể phân biệt các bức ảnh với nhau để từ đó nhận ra một tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật giữa vô số ảnh thông thường", ông Hải nói.

Bức ảnh "Những chú chó của bạn" (Your Dogs) của tác giả Wolfgang Tillmans. Ảnh: BTC  

Chẳng hạn, bức ảnh "Những chú chó của bạn" (Your Dogs), năm 2008 của tác giả Wolfgang Tillmans nằm trong bộ sưu tập Foundation Louis Vuitton với chủ đề nói về mối liên hệ giữa thiên nhiên và cơ giới nhân tạo.

Tính cơ giới trong bức ảnh được thể hiện qua sự có mặt của các yếu tố nhân tạo như: Vỉa hè, biển báo. Giữa hiện trạng khô cứng đó là hai chú chó vẫn ung dung, tự do, tìm được bóng mát của cây, của biển báo. Chúng có được tự do mà chúng ta không hiểu được, giữa dòng đời xô bồ vẫn tìm thấy giấc ngủ ngon.

Ông Hải cho rằng sức mạnh của nhiếp ảnh là khả năng chụp lại đời sống, lưu giữ tư liệu, thông qua đó người nghệ sĩ phát ngôn tư tưởng muốn truyền đạt. 

Đại diện ban tổ chức cũng cho biết thêm tọa đàm "Tìm hiểu ngôn ngữ nhiếp ảnh" là một phần trong chuỗi chương trình trao đổi về ngôn ngữ nhiếp ảnh. Ngoài ra, Hoa Ta vẫn đang thực hiện một số hoạt động khác như: Tham gia các sự kiện, chợ phiên nghệ thuật để đưa nhiếp ảnh đến gần hơn với giới trẻ.

"Chúng tôi cũng biên soạn và giới thiệu các bài viết liên quan đến nhiếp ảnh trên thư viện trực tuyến. Đồng thời, Hoa Ta cũng đang ấp ủ cơ hội tổ chức triển lãm, sự kiện giới thiệu tác giả, tác phẩm và sách ảnh", ông Hải - Trưởng ban tổ chức tọa đàm nói.

Võ Liên