Hà Nội lên phương án cấm xe máy vào nội đô

(SHTT) - UBND TP. Hà Nội vừa quyết định phê duyệt Đề án phát triển kinh tế đô thị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án nêu ra nhiều giải pháp để phát triển các ngành kinh tế đô thị, trong đó có việc phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng…

Đáng chú ý, trong 33 nhiệm vụ, chương trình ưu tiên thực hiện, có Đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030".

Hà Nội giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hoàn thiện trong giai đoạn 2023 - 2025.

Việc cấm xe máy sẽ được áp dụng tại địa bàn 12 quận trong nội thành Hà Nội, gồm: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Tây Hồ và Nam Từ Liêm.

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải cũng được giao chủ trì, thực hiện Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào", hoàn thiện trong giai đoạn 2023-2025.

 

 Phối hợp các sở ngành, UBND các quận tham mưu giải pháp phát triển vận tải công cộng trong khu vực đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, xanh; tiếp tục tham mưu chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ngoài Nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ giao thông vận tải công cộng chất lượng cao, dịch vụ kết nối hệ thống giao thông công cộng.

Chủ trì, tham mưu thành phố phát triển hạ tầng giao thông vận tải; tập trung và ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung là các tuyến đường giao thông cho các huyện chuẩn bị thành quận, trục giao thông liên kết trong vùng thủ đô…

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng sẽ phát triển các mô hình kinh tế mới như: kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế số, kinh tế du lịch, kinh tế thể thao, kinh tế vỉa hè.

Về cải tạo, chỉnh trang đô thị, TP Hà Nội giao Sở Xây dựng phối hợp các sở ngành, UBND quận tham mưu triển khai công tác cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị.

Trong đó, cần cải tạo, chỉnh trang khu vực nội đô để khai thác kinh tế đô thị hiệu quả nhất; biến cả khu vực nội đô lịch sử thành khu vực có thể đi bộ. Theo đó, TP Hà Nội yêu cầu thiết kế, chỉnh trang sao cho tạo điều kiện thuận lợi nhất để đi bộ, để kinh tế vỉa hè, kinh tế cá thể phát triển bên cạnh ngành kinh tế hiện đại, thay vì một số tuyến phố đi bộ như hiện nay.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã chủ trì cuộc họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Quy hoạch). Mục tiêu của Quy hoạch là phát triển Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; người dân Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.

Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc; quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng ở khu vực trung tâm; triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chính trang, tái thiết đô thị; phát triển không gian ngầm đô thị; xây dựng khu vực nông thôn hài hòa với đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường cảnh quan, tạo sự bền vững.

Vì vậy, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị thành phố Hà Nội khẩn trương hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Hội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Hương Mi