Thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao

(SHTT) - Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nhân lực khoa học, công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.

 Nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nguồn nhân lực có trí tuệ, tay nghề, năng lực tốt, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thực tiễn đất nước, của thị trường lao động hiện nay. Phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nói riêng là yếu tố quan trọng, nòng cốt bảo đảm cho nền kinh tế phát triển, hội nhập sâu rộng, bền vững, ổn định trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức.

Với Việt Nam, để sớm hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2030 và nằm trong nhóm nước phát triển thu nhập trung bình cao vào năm 2045, thì cần xác định rõ nhận thức xuyên suốt của Đảng về vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, kết quả đạt được khi triển khai thực trong thực tế, những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết để từ đó đề ra những giải pháp sát thực với thực tế, hoàn thành mục tiêu đề ra.

Thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao 

Tuy nhiên có thể thấy, những năm qua, nhiều ngành khoa học cơ bản rơi vào tình trạng khó tuyển sinh dù điểm xét tuyển đầu vào không cao và học phí ở mức thấp nhất trong các ngành đào tạo.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, khối ngành Toán và Khoa học tự nhiên, trong đó có các ngành khoa học cơ bản là những ngành nền tảng, thiết yếu đối với phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, tỉ lệ sinh viên theo học và nhập học mới có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây, trừ lĩnh vực Toán và thống kê có sự cải thiện trong năm 2022.

Đặc biệt lưu ý, điểm xét tuyển bình quân của các sinh viên trúng tuyển của hầu hết các ngành này nằm ở mức trung bình và dưới trung bình tất cả lĩnh vực đào tạo (trừ nhóm ngành Toán học có đầu vào khá tốt trong một vài năm gần đây).

Đây chính là thực trạng khiến các nhà lãnh đạo lo lắng về việc thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao cho đất nước.

Chia sẻ về nguyên nhân của thực trạng này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, vấn đề nằm ở quan hệ khép kín giữa nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ phát triển của nền kinh tế và nhu cầu của thị trường việc làm.

Thông thường, nếu không có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước, quan hệ này tuân thủ hoàn toàn quy luật thị trường.

Nếu trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp, thị trường việc làm sẽ không có nhu cầu cao về nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, như vậy sẽ ít thí sinh chọn học những ngành khoa học - công nghệ. Và nếu nguồn nhân lực chất lượng cao khoa học - công nghệ chưa sẵn sàng thì cũng sẽ không thúc đẩy được đầu tư phát triển nền kinh tế tri thức.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng dân số Việt Nam tiếp cận giáo dục đại học còn thấp, đào tạo sau đại học cũng chưa được chú trọng nhiều.

Thực tế này đặt ra yêu cầu vừa phải đảm bảo nâng cao chất lượng vừa phải gia tăng số lượng tiếp cận đại học các ngành phục vụ phát triển khoa học công nghệ, ở các trình độ.

Phân tích số liệu trong hơn 10 năm gần đây cho thấy, tỷ trọng công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học tăng nhanh về số lượng, đặc biệt trong 3 năm gần đây, số công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học chiếm 90% trong tổng số của cả nước.

Tuy nhiên, so sánh với một số nước trong khu vực, số công bố của nước ta còn thấp; số sáng chế, giải pháp hữu ích của các trường đại học có tăng nhưng còn khiêm tốn.

Minh Thư