Nghiên cứu mới: Các vấn đề về giấc ngủ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ

(SHTT) - Nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Neurology mới đây chỉ ra rằng những người gặp các vấn đề về giấc ngủ như ngủ ngáy, ngủ nhiều hơn/ ít hơn bình thường hay gặp các vấn đề hô hấp khi ngủ, sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn gấp đáng kể.

Các vấn đề gây rối loạn giấc ngủ được liệt kê trong nghiên cứu bao gồm ngủ quá nhiều hoặc quá ít, ngủ trưa quá lâu, giấc ngủ kém chất lượng, ngủ ngáy, khịt mũi và ngưng thở khi ngủ (khi quá trình hô hấp bị gián đoạn). Nghiên cứu lưu ý rằng nguy cơ đột quỵ của những người có hơn 5 triệu chứng trên còn cao hơn rất nhiều. 

 

Những người mắc triệu chứng ngủ ngáy làm tăng nguy cơ đột quỵ cao hơn 91% so với những người không ngủ ngáy. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người ngủ hơn 9 tiếng hoặc ít hơn 5 tiếng một ngày có nguy cơ đột quỵ cao hơn những người ngủ trung bình 7 tiếng. 

Ngoài ra, các vấn đề về hô hấp trong khi ngủ, bao gồm ngáy, khịt mũi và ngưng thở khi ngủ cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 3 lần bình thường. Thêm nữa, những người ngủ trưa hơn một giờ có nguy cơ đột quỵ cao hơn 88% so với những người không ngủ trưa.

Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện của họ không cho thấy các vấn đề về giấc ngủ là nguyên nhân chính gây ra đột quỵ, nhưng chính các vấn đề trên lại đang góp phần làm tăng nguy cơ xảy ra căn bệnh chết người đó.Và nếu nghiên cứu này được giới y học kiểm chứng và xác nhận, thì các bác sĩ sẽ phải thảo luận sớm hơn về những rủi ro sức khỏe với các bệnh nhân đang gặp vấn đề về giấc ngủ.

“Phát hiện của chúng tôi cho thấy các vấn đề về giấc ngủ của từng cá nhân có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, nếu bệnh nhân nào có hơn 5 triệu chứng kể trên thì nguy cơ đột quỵ còn cao hơn gấp 5 lần so với những người có giấc ngủ bình thường. Và nghiên cứu này đang mở đường cho việc phát triển một lĩnh vực trọng tâm liên quan đến điều trị các vấn đề trong giấc ngủ, nhằm phòng ngừa bệnh đột quỵ”, Christine McCarthy, tác giả của nghiên cứu, thuộc Đại học Galway (Ireland) chia sẻ.

Nghiên cứu ghi nhận sự tham gia của 4.496 người, trong đó có 2.238 người từng bị đột quỵ và 2.258 người không bị đột quỵ. Người tham gia được hỏi về hành vi giấc ngủ của họ bao gồm số giờ ngủ, chất lượng giấc ngủ, có ngáy hay khịt mũi khi ngủ hay không và các vấn đề về hô hấp trong khi ngủ.

Nhóm cũng xem xét các yếu tố khác làm tăng nguy cơ đột quỵ, chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu, hoạt động thể chất, trầm cảm,... và nhận về những con số thống kê tương tự.

“Với những kết quả này, các bác sĩ có thể thảo luận với những bệnh nhân đang gặp các về đề giấc ngủ về những rủi ro xảy ra đột quỵ. Các biện pháp cải thiện chất lượng giấc ngủ cũng có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ và nên là chủ đề của nghiên cứu trong tương lai”, tiến sĩ McCarthy nhận xét.

Thùy Mai