Cấp quyền công dân cho robot: Sự kiện gây nhiều tranh cãi

(SHTT) - Ả-rập Xê-út đã chính thức cấp quyền công dân cho một robot mang trí thông minh nhân tạo tên là Sophia. Sự kiện mang tính lịch sử này đang gây ra nhiều tranh cãi và làm dấy lên nỗi lo robot thống trị nhân loại.

Mới đây, đất nước Ả-rập Xê-út đã công bố một sự kiện mang tính lịch sử và làm xôn xao giới công nghê, đó là cấp quyền công dân cho một robot có hình dạng giống người thật và mang trí thông minh nhân tạo, đó là robot Sophia. 

 Cấp quyền công dân cho robot: Sự kiện gây nhiều tranh cãi

"Tôi rất vinh dự và tự hào vì sự biệt đãi này. Là robot đầu tiên trên thế giới được công nhận quyền công dân, tôi coi đây là một sự kiện lịch sử", robot Sophia phát biểu khi bất ngờ biết đã được Arab Saudi cấp quyền công dân tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai ở Riyadh.

Động thái trên là cách giúp thúc đẩy ngành nghiên cứu trí thông minh nhân tạo phát triển tại quốc gia dầu mỏ trù phú này đồng thời cho thấy sự quan tâm của chính phủ Ả rập Xê út tới công nghệ mới dự kiến sẽ quyết định tương lai thế giới - Trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, quyết định này cũng đang gặp phải những phản ứng trái chiều từ dư luận.

 Robot được cấp quyền công dân, Sophia đang nhận được nhiều sự quan tâm

Trên mạng xã hội, nhiều người chỉ trích việc robot này không mặc loại áo abaya truyền thống (loại áo dài tay màu đen của người Ả-rập) và không có một người giám hộ nam – 2 hành động bị xem là bất hợp pháp tại nước này. Họ không hài lòng khi robot Sophia sở hữu nhiều quyền hơn một phụ nữ truyền thống tại Ả-rập Xê-út. Phụ nữ ở nước này không được thực hiện nhiều hoạt động như kết hôn, có hộ chiếu và đi du lịch khi chưa có sự đồng ý của người giám hộ hợp pháp. Họ cũng mới chỉ được chính quyền Ả-rập Xê-út cho phép tự lái xe trong năm nay. 

Một số người khác lại chỉ trích rằng Sophia đã được nhận quốc tịch thậm chí còn trước cả hàng trăm ngàn người lao động nhập cư ở Ả-rập Xê-út, những người nghèo khổ không nhận được bất kỳ đặc quyền nào. Người dân ở quốc gia Hồi giáo này cũng cho rằng người nộp đơn xin nhập quốc tịch cần phải biết nói và biết viết tiếng Ả Rập, trong khi Sophia chưa chứng minh được khả năng này.

 Sự kiện cấp quyền công dân cho robot dấy lên nỗi lo về trí tuệ nhân tạo

Được biết, Sophia là robot của công ty Mỹ Hanson Robotics. Được trang bị trí tuệ nhân tạo, Sophia có thể giao tiếp với con người và tự học hỏi để nâng cao trí thông minh. Robot Sophia từng thu hút sự chú ý của thế giới khi tham dự hội nghị tại Liên Hợp Quốc. Và Sophia cũng gây phản ứng gay gắt khi tuyên bố sẽ hủy diệt con người trong phát biểu hồi năm 2016.

Mặc dù đây chỉ là những câu trả lời được lập trình sẵn và những robot như Sophia được thiết kế với công việc chính là chăm sóc người già, hỗ trợ khách tới dự tại công viên hay các sự kiện lớn, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn lo ngại cuộc sống của con người sẽ bị đe dọa khi mà quá trình phát triển của trí thông minh nhân tạo diễn ra quá nhanh chóng.

 

Theo các nhà khoa học, Sophia sở hữu một hộp sọ bằng nhựa đặc biệt thông minh. Cơ chế máy học của robot có thể lưa trữ rất nhiều đoạn hội thoại, cố gắng phân tích chúng để đưa ra câu trả lời sống động theo thời gian thực.

Trong Sophia cũng có camera và AI để “tương tác bằng mắt”, giúp nhận diện con người. Robot này còn có tính năng nhận diện giọng nói và ngày càng thông minh khi trò chuyện với con người.

Sophia có thể bộc lộ niềm hạnh phúc, nhíu mày khi buồn hay nghiến răng lúc giận dữ. Mặc dù vậy, khả năng biểu cảm của robot này vẫn còn nhiều hạn chế.

Đinh Thảo