Hệ thống cấp thuốc tự động bằng đèn LED: Phát minh mới hỗ trợ việc điều trị bằng thuốc cấy ghép

(SHTT) - Một nhóm các nhà khoa học bao gồm Tiến sĩ Yamin Zhang, Tiến sĩ kiêm bác sĩ y khoa Colin Franz, tại Shirley Ryan AbilityLab và Tiến sĩ John Rogers, tại Đại học Northwestern đã cùng hợp tác phát triển công nghệ mới với tiềm năng thay đổi việc cung cấp thuốc cho cơ thể trong tương lai.

Thiết bị được coi là hệ thống phân phối thuốc cấy ghép đầu tiên được kích hoạt bởi các nguồn ánh sáng bên ngoài với các bước sóng khác nhau mà không cần dùng tới các thiết bị điện tử. Đây cũng được coi là sáng chế cấp thuốc cho cơ thể tự động đầu tiên không cần tới sự can thiệp của các cuộc phẫu thuật để giám sát thiết bị trong khi bác sĩ, y tá hay thậm chí là bệnh nhân vẫn có thể kiểm soát hoạt động và vận hành chương trình phát thuốc.

Các thông tin về phát minh mới này đã được đăng tải trên trang web của Proceedings of the National Academy of Sciences.

Colin Franz, tiến sĩ, bác sĩ khoa học tại Shirley Ryan AbilityLab cho biết: "Công nghệ này đại diện cho một bước đột phá giải quyết được sự thiếu hụt của các hệ thống phân phối thuốc hiện tại và nó có ý nghĩa quan trọng trong việc sử dụng thuốc giảm đau nhóm opioid và thuốc điều trị ung thư với liều lượng phù hợp".

Các hệ thống phân phối thuốc cấy ghép được sử dụng để điều trị các tình trạng y tế khác nhau, từ đau mạn tính, co cứng cơ đến ung thư và tiểu đường.

Trong khi các hệ thống thụ động cho phép giải phóng thuốc dần dần và không yêu cầu loại bỏ  thiết bị khi kết thúc sử dụng, tuy nhiên nó có nhược điểm là người dùng không thể chủ động kiểm soát chúng (ví dụ: bật- tắt hoặc tăng-giảm liều lượng). Ngược lại, hệ thống phát thuốc chủ động lại yêu cầu việc giải phóng thuốc phải được lập trình, cần đến nguồn điện, các bộ phận điện tử, và cuối cùng yêu cầu một cuộc phẫu thuật thứ hai để lấy thiết bị ra khỏi cơ thể. 

Từ đó có thể thấy, phát minh mới của các nhà khoa học sẽ hội tụ được các ưu điểm của 2 hệ thống phân phối thuốc hiện có: không cần sử dụng đến các thiết bị điện tử để kích hoạt, không yêu cầu các cuộc phẫu thuật để loại bỏ thiết bị sau khi sử dụng và đồng thời cho phép bác sĩ hay thậm chí là người bệnh có thể tự điều chỉnh.

 

Để kiểm tra công nghệ mới này, các nhà nghiên cứu đã phẫu thuật cấy nó vào dây thần kinh bên hông phải của chuột. Mỗi thiết bị chứa ba ngăn thuốc chứa đầy lidocaine - một loại thuốc giảm đau đau thần kinh phổ biến. Sau đó, ba đèn LED được đặt trên các vị trí cấy ghép để kích hoạt giải phóng thuốc. Kết quả thử nghiệm sau đó cho thấy có sự giảm đau rõ rệt ở từng con chuột. Từ đó, các nhà nghiên cứu đã có thể tạo ra các mô hình giảm đau khác nhau tùy thuộc vào trình tự ánh sáng của đèn LED.

John Rogers, Tiến sĩ tại Đại học Northwestern cho biết: "Chúng tôi nhận thấy đây là một phương pháp thay thế hiệu quả, an toàn, có thể được thu nhỏ, không gây nghiện và được phân phối một cách có hệ thống cho các loại thuốc giảm đau".

"Mặc dù trong thử nghiệm vừa rồi chúng tôi đã sử dụng kết hợp ba đèn LED nhưng trong tương lai chúng tôi có khả năng phát triển lên tới 30 bước sóng LED khác nhau và có thể cung cấp nhiều chương trình điều trị hơn”.

Trong các nghiên cứu trong tương lai, nhóm khoa học sẽ xem xét các yếu tố an toàn khác nhau trước khi yêu cầu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép các thử nghiệm lâm sàng ở người.

Thu Hà