Bến Tre hướng tới phát triển du lịch nông nghiệp

Du lịch nông nghiệp hiện được các địa phương khai thác ngày càng phong phú về hình thức. Xu hướng khách du lịch đến vùng nông thôn ngày càng gia tăng. Cùng với các địa phương khác, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Bến Tre đã được khai thác và phát triển mạnh mẽ.

Bến Tre tự hào với với nhiều loại hình và sản phẩm du lịch như: Du lịch tham quan các vườn dừa, vườn cây ăn trái, du lịch trải nghiệm sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân, tham quan và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống, thưởng thức những món ăn đặc trưng gắn liền với cây dừa…

Thu hút khách du lịch, nâng cao thu nhập cho nông dân

Mặc dù có rất nhiều lợi thế sẵn có, nhưng nhìn chung, thực trạng hoạt động du lịch ở Bến Tre vẫn còn manh mún, chưa thật sự tương xứng với kỳ vọng.

Nhằm tìm đường cho du lịch nông nghiệp Bến Tre, từ đó góp phần thúc đẩy loại hình này phát triển bền vững, mới đây, UBND tỉnh Bến Tre, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Du lịch nông nghiệp: Hướng tới sự phát triển bền vững giữa kinh tế, văn hóa và môi trường”. 

Thông qua Hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ sở du lịch đã trao đổi, từ đó đưa ra giải pháp hợp lý để phát triển du lịch nông nghiệp ở Bến Tre nói riêng và các tỉnh thành nói chung. Đồng thời, Hội thảo còn cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn cho các cơ quan quản lý nhà nước có chính sách phù hợp về phát triển du lịch nông nghiệp.

Các đại biểu, chuyên gia phát biểu tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Du lịch nông nghiệp: Hướng tới sự phát triển bền vững giữa kinh tế, văn hóa và môi trường”. Ảnh: Thế Anh 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành - cho rằng nhu cầu và xu hướng khách du lịch nội địa cũng như quốc tế đến các vùng nông thôn, nông nghiệp ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp hiện nay chủ yếu mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Liên kết ngành giữa du lịch, ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế của một quốc gia nông nghiệp. Do vậy, Hội thảo tập trung các giải pháp hợp tác, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp đa dạng, độc đáo nhằm thu hút khách du lịch, nâng cao thu nhập cho nông dân cũng như phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Tiến sĩ Phan Thị Ngàn - Khoa Du lịch và Việt Nam học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành - chia sẻ phát triển du lịch nông nghiệp như là hoạt động xuất khẩu tại chỗ của nông dân. Hoạt động du lịch nông nghiệp ở vùng nông thôn có thể tạo ra thị trường tiêu dùng mới, tăng thu nhập trung bình của nông dân thông qua việc bán thành quả sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ cho du khách, nhờ đó đảm bảo tính bền vững của ngành.

Nông nghiệp kết hợp với du lịch là sự kết hợp tuyệt vời để nông dân tiếp tục gắn bó nghề nông, chăm sóc, duy trì, làm mới nông trang. Mặt khác, tính bền vững xã hội nông thôn sẽ được đảm bảo khi du lịch nông nghiệp tạo cơ hội cho người dân thiếu việc làm ở vùng nông thôn kiếm thu nhập tại nơi mình sinh sống, không phải đổ dồn về thành thị để mưu sinh…

Xây dựng sản phẩm đặc thù miệt vườn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, địa phương hiện có 41 homestay với sức chứa trên 1.000 khách, tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, TP Bến Tre. Homestay được du khách ưa chuộng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời quảng bá văn hóa đặc thù miệt vườn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khi đó, Bến Tre hiện có 57 làng nghề đã được công nhận, trong đó 39 làng nghề nông nghiệp, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các làng nghề nông nghiệp truyền thống chủ yếu sử dụng phương pháp sản xuất thủ công, tạo sự hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm công đoạn tạo ra sản phẩm…

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hiện đang triển khai thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình nông dân làm du lịch” với mục tiêu: Xây dựng mô hình hoạt động du lịch nông nghiệp ở 3 huyện: Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam và Châu Thành đang trong giai đoạn hoàn thành chuẩn bị khai sinh sản phẩm du lịch mới cho tỉnh nhà.

Đề án "Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách" cũng đã được UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt bởi Quyết định số 737/QĐ-UBND ngày 30/3/2020 trong giai đoạn 2020 – 2021 và định hướng đến 2025. Chợ Lách được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mang tầm quốc gia trên cơ sở khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hoá bản địa, tài nguyên thiên nhiên sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Chợ Lách có tổng diện tích 1490,88 ha đi qua Huyện lộ 34, 35, 37 và Quốc lộ 57 thuộc 4 xã Vĩnh Hòa, Phú Sơn, Long Thới và Vĩnh Thành. Từ đó, khách du lịch có thể tham quan các điểm du lịch của địa phương ở xung quanh như Nhà thờ Cái Mơn, nhà cổ, vườn sầu riêng, làng hoa giấy, làng nuôi gà nòi, vườn cây ăn trái, vườn sản xuất cây giống lớn nhất cả nước,…

Du khách trải nghiệm du lịch tại Bến Tre. Ảnh: Thế Anh 

Ngoài việc chú trọng phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, Chợ Lách còn quan tâm đặc biệt về du lịch làng nghề, đây được xem là điểm nhấn đặc sắc để thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm. Đến nay, trên địa bàn huyện phát triển được 31 làng nghề truyền thống sản xuất cây giống – hoa kiểng với trên 5.700 hộ tham gia.

Thời gian qua, lượng du khách đến với làng nghề ngày càng tăng. Khi đến với làng nghề, du khách không chỉ tham quan quá trình làm ra một sản phẩm cây giống, hoa kiểng mà còn được nhà vườn và nghệ nhân hướng dẫn tham gia thực hiện các công đoạn chiết cây, ghép cành, uốn sửa tạo dáng kiểng, bon sai, tự tay tạo ra tác phẩm nghệ thuật hoa kiểng làm quà lưu niệm dành tặng cho người thân và bạn bè, từ đó góp phần tiêu thụ sản phẩm tại chỗ cho người dân.

Làng văn hóa du lịch Chợ Lách là một sản phẩm của chương trình mỗi xã một sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn hướng đến việc kích thích sản xuất, nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm nông nghiệp tiến đến phát triển bền vững mô hình du lịch nông thôn. Chợ Lách cũng có nhiều sản phẩm OCOP trọng điểm của tỉnh Bến Tre theo dạng liên kết tương hỗ giữa du lịch và nông nghiệp, xây dựng làng du lịch bền vững hướng đến giá trị xanh: Môi trường xanh, văn hóa xanh và phát triển trong sự hài hòa các mối quan hệ.

Xây dựng Làng văn hóa du lịch Chợ Lách còn góp phần nâng cao năng lực cộng đồng, tạo thêm các giá trị kinh tế cho địa phương, đóng góp trở lại việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm kích thích và giữ vững thành quả của phong trào nông thôn mới ở nơi đây.

 Đinh Nam