Lễ hội Cầu Ngư quận Thanh Khê: Mỗi năm ‘thêm sắc thêm màu’

Từ ngày 8 – 10/2, lễ hội Cầu Ngư lớn nhất TP Đà Nẵng diễn ra bên miếu Thuyền, đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê để cầu quốc thái dân an, cầu ngư dân thắng lợi. Lễ hội đậm bản sắc miền biển diễn ra náo nhiệt thu hút bởi phần lễ bảo tồn trang nghiêm, phần hội ngày càng phát huy, nâng tầm.

Nhiều hoạt động trong lễ hội truyền thống Cầu Ngư năm nay được đầu tư công phu để trở thành ngày hội du xuân của cộng đồng bên cạnh ý nghĩa tâm linh.

Lễ hội Cầu Ngư quận Thanh Khê được kỳ vọng sẽ nâng tầm tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo của quận và TP Đà Nẵng mỗi dịp đầu xuân hàng năm trong thời gian tới.

Lễ hội Cầu Ngư do UBND TP Đà Nẵng, UBND quận Thanh Khê phối hợp cùng Ban Nghi Lễ Thanh Khê tổ chức.

Từ ngày đầu tiên của lễ hội, Ban Nghi Lễ gồm những người cao tuổi, có uy tín và không bị mắc tang chế bày biện, trang hoàng bàn thờ. Mỗi gia đình ở làng chài đều soạn đồ lễ cúng. Trên những tàu thuyền ngư dân giăng đèn kết hoa đầy màu sắc.

 Ban Nghi Lễ là các vị cao tuổi, uy tín trong quận Thanh KHê

Sáng sớm tinh sương ngày 10/2, người dân quận Thanh Khê nô nức kéo về quanh khu vực miếu Thuyền tham gia lễ hội. Không khí trong lành, gió mát, biển êm đưa làn nắng xuân lên nhẹ ấm áp thuận lợi cho người dân và du khách đi trẩy hội.

Các vị cao niên mang trang phục mũ cao, áo dài chỉnh tề làm nghi thức lễ tế cá Ông (lễ nghinh Thần, nghinh Ông) túc trực ở miếu Thuyền từ rất sớm. 6h sáng, vị chủ nghi lễ tận tâm bái ra hướng biển xin nước từ biển xanh rồi nghiêm cẩn vào đình làng rước văn tế ra biển.

 Toàn cảnh chính lễ Cầu Ngư

“Ban Nghi Lễ Thanh Khê đứng ra làm lễ tế. Để tổ chức lễ hội bài bản rất khó bởi sắp xếp trật tự cho hàng trăm người khi rước kiệu ông Nam Hải từ làng này qua làng khác. Năm nào Thanh Khê cũng làm lễ hội nhưng năm nay có thêm UBND TP, UBND quận phối hợp tổ chức lớn hơn làng tự tổ chức”, ông Hồ Văn Ngân (88 tuổi, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) vừa sửa soạn mâm tế vừa chia sẻ.

Theo truyền thống, ba vị bồi bái trong Ban Nghi Lễ phải dùng nước biển “thanh tẩy” cho người sạch sẽ mới đứng để mời “Ông” chứng giám lòng thành của ngư dân. Người dân biển về đây chắp tay khẩn cầu ông Nam Hải, bà Thủy và các vị thần bảo hộ cho sự hưng thịnh, bình an của cả làng cá.

 Lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016.

Trong buổi khai mạc lễ hội, ông Nguyễn Hữu Công – Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê - cho hay: “Lễ hội Cầu Ngư có từ lâu đời và thường được tổ chức luân phiên tại nhà thờ, đình làng các phường Xuân Hà, Thanh Khê Đông và Thanh Khê Tây. Từ năm 2016 đến nay, lễ hội liên tục được nâng cấp về quy mô. Năm 2023 này, lễ hội tổ chức quy mô lớn hơn diễn ra liên tục trong 3 ngày với nhiều hoạt động thú vị”.

Hội trống - múa cờ trình Tường khai hội Cầu Ngư quận Thanh Khê

Ngay sau khi đánh trống khai hội âm vang, các màn hội trống - múa cờ trình Tường trở thành “lễ hội đường phố” thu hút đông đảo người đi đường dừng di chuyển để thưởng thức, chụp ảnh. Ban Nghi Lễ tiến hành lễ tế chính gửi ước nguyện cầu an, cầu ngư truyền thống vùng biển quận Thanh Khê.

 Thi gánh cá trên bãi biển Thanh Khê

Cùng với phần lễ trang nghiêm, phần hội Cầu Ngư có những trò chơi dân gian như lắc thúng, đua thuyền buồm, gánh cá, bơi lội, kéo co, đan lưới… khiến tiếng cười nói, cổ vũ rộn rã không ngớt.

 Thi chèo thuyền trên biển.

Những tiết mục văn nghệ như hát tuồng, hát hò khoan, múa hát bả trạo ca ngợi tinh thần đoàn kết của các thuyền viên trên biển, mang về mùa bội thu tôm, cá. Hát múa bả trạo vừa là nghi lễ tế vừa là hoạt động văn hóa nghệ thuật mang đặc trưng của ngư dân như chèo thuyền, kéo lưới, đặc tả cảnh đưa linh, rước hồn Cá Ông.

 Các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa.

“Người dân vùng biển chúng tôi rất háo hức trong những ngày diễn ra lễ hội. Đối với phường Xuân Hà, tham gia lễ hội qua phần thi ẩm thực với chủ đề “mâm cơm hương vị biển” chúng tôi dùng những nguyên iệu là tài nguyên từ biển để sáng tạo nên các món ăn”, bà Lê Thị Kim Phụng, (52 tuổi, Chi hội phụ nữ phường Xuân Hà) hồ hởi nói.

 Mâm ẩm thực "Hương vị biển" của phường Hòa Khê

Theo bà Phụng, với tài nấu nướng của chị em phường Xuân Hà gửi gắm ước muốn bảo vệ môi trường, thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng, ngư dân có sức khỏe bền tâm bám biển. Từ đó, khẳng định với thế giới chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Hương vị đậm đà của ẩm thực miền Trung khéo léo kết hợp trong cách trang trí bắt mắt và sáng tạo với những chủ đề lấy cảm hứng về biển trở thành dấu ấn của lễ hội.

 Sự sáng tạo trong trang trí món ăn phần thi "Mâm hương vị biển"

Cũng tại lễ hội Cầu Ngư quận Thanh Khê, các gian hàng sản phẩm từ biển của Lễ hội Cầu Ngư đầy cá, tôm, mực, rong biển thu hút du khách tới mua sắm.

 Lễ hội Cầu Ngư quận Thanh Khê.

Đặc biệt tại lễ hội có gian trưng bày tư liệu Hoàng Sa là của Việt Nam. Lễ hội chính là nguồn sử liệu, là những bằng chứng xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử đầy minh triết với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử từ quá khứ đến hôm nay và mai sau.

Đặc biệt tại lễ hội có gian trưng bày tư liệu Hoàng Sa là của Việt Nam.
 Miếu Thuyền tọa lạc đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng

Chuyện xưa kể lại sự tích làng chài Thanh Khê được lập từ năm 1613 với phương tiện đánh cá ghe gỗ tre nang thuyền buồm, ngư lưới cụ thủ công. Nghề đánh cá truyền thống Thanh Khê cha truyền con nối như: Nghề cá chuồn, nghề mành đèn, nghề mành chà. Sau năm 1945, người dân tản cư về đây mua sắm các thiết bị đánh bắt tân tiến, đánh bắt xa bờ... cuộc sống dần khấm khá.

Bảo Hòa