Đắk Nông nỗ lực xây dựng 'thủ phủ mắc ca' của Tây Nguyên

Là cây trồng có thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tỉnh Đắk Nông đang nỗ lực xây dựng nơi đây thành “thủ phủ mắc ca” của Tây Nguyên.

Đắk Nông là một trong những địa phương trồng nhiều mắc ca ở Tây Nguyên. Hiện tỉnh Đắk Nông có gần 2.800 ha mắc ca, tập trung chủ yếu ở các huyện Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong.

Từ 2 ha mô hình khảo nghiệm trồng cây mắc ca vào năm 2010, đến nay toàn huyện Tuy Đức đã có hơn 1.930 ha mắc ca. Trong đó, có khoảng 942 ha mắc ca đang cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 540 tấn.

Ông Kiều Quí Diện - Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức - đánh giá, mắc ca là loại cây trồng dễ tính, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của huyện Tuy Đức. Cây mắc ca sinh trưởng, phát triển nhanh, không kén đất, khả năng chống chịu sâu bệnh hại và chịu hạn tốt. Kỹ thuật trồng, thu hái, sơ chế, bảo quản mắc ca đơn giản, không cần nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp.

  Trồng mắc ca sẽ mang lại nhiều giá trị, tạo nguồn thu nhập cao cho nông hộ. 

Mắc ca được đánh giá là một trong những loài cây trồng phù hợp để trồng xen canh trong vườn cà phê, hồ tiêu... tạo nguồn thu nhập kép cho các hộ nông dân. Loại cây này rất phù hợp với tập quán canh tác, sản xuất của các hộ dân tộc thiểu số.

Được biết, trong 5 năm qua, giá mắc ca tươi trên địa bàn huyện luôn duy trì ở mức cao, từ 85 nghìn - 100 nghìn đồng/kg. Doanh thu của mắc ca khoảng 80 - 120 triệu đồng/ha.

So với cà phê, hồ tiêu, điều... hiệu quả kinh tế mắc ca mang lại đều lớn hơn khá nhiều. Thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc ca rất ổn định. Trong đó, mắc ca sấy khô thường xuyên "cháy hàng" và có giá cao, từ 220 nghìn - 250 nghìn đồng/kg.

Trên địa bàn huyện Tuy Đức đã có 8 cơ sở, 2 đại lý thu mua, sơ chế, chế biến hạt mắc ca. Huyện đã thành lập được 2 HTX sản xuất và thu mua hạt mắc ca ở xã Quảng Trực; có 2 sản phẩm hạt mắc ca sấy khô của 2 cơ sở chế biến trên địa bàn huyện được chứng nhận OCOP hạng 3 sao, 70 ha mắc ca của HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Với đặc điểm là cây lâu năm, vừa cho hạt, vừa lấy gỗ, nên trồng mắc ca sẽ mang lại nhiều giá trị, tạo nguồn thu nhập cao cho nông hộ. Loại cây này còn có ý nghĩa đối với việc bảo vệ môi trường, nâng cao độ che phủ rừng.

 Nhiều hộ dân trồng xen canh cây mắc ca trong vườn cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái. Ảnh: Q.A

Năm 2019, Bộ NN-PTNT đã công nhận mắc ca là cây lâm nghiệp. Đây là căn cứ và điều kiện thuận lợi để huyện Tuy Đức phát triển, mở rộng quy mô trồng mắc ca.

Cũng theo ông Diện, trong thời gian tới, huyện Tuy Đức sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng mắc ca trên những vùng có điều kiện phù hợp, thích nghi tốt. Trong đó, huyện ưu tiên xây dựng, hình thành các vùng trồng mắc ca tập trung theo quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, sản xuất mắc ca.

Tuy Đức tập trung phát triển mắc ca tại các địa bàn xã Quảng Trực, Đắk Búk So, Quảng Tâm. Huyện khuyến khích các hộ dân áp dụng hình thức trồng xen canh cây mắc ca trong vườn cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, cây nông nghiệp ngắn ngày đối với các vùng không thuận lợi.

Ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, huyện sẽ phối hợp với đơn vị chức năng rà soát đất lâm nghiệp phù hợp để đưa vào trồng mắc ca theo mô hình nông lâm kết hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi, kêu gọi các doanh nghiệp lớn vào đầu tư các dự án phát triển mắc ca. Đồng thời sẽ xây dựng các nhà máy chế biến hạt mắc ca có quy mô, tạo đầu ra ổn định cho nông dân. Trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ thành lập hiệp hội sản xuất mắc ca trên địa bàn; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm hạt mắc ca Tuy Đức.

Phi Vũ