Truy xuất nguồn gốc hàng nông sản tại các chợ đầu mối gặp nhiều khó khăn

Để đảm bảo nguồn nông sản sạch đưa ra thị trường, Ban quản lý các chợ đầu mối tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc còn gặp khó khăn do sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thương nhân hoạt động theo kiểu truyền thống, hàng hóa không bao bì, nhãn mác.

Thời gian qua, thông tin về việc các mặt hàng nông sản không rõ nguồn gốc, không tem, nhãn mác tràn ngập vào các chợ truyền thống tại TP.HCM đã khiến người tiêu dùng hoang mang.

Nguồn hàng tại các chợ đầu mối thường rất đa dạng. Một tiểu thương tại chợ đầu mối Nông sản, thực phẩm Hóc Môn cho biết hàng hóa tại chợ có khoảng 85 - 90% được lấy từ các địa phương như Đà Lạt, các tỉnh miền Tây, Hải Dương,... Số còn lại sẽ được nhập từ nước ngoài, chủ yếu là hàng Trung Quốc.

Rau, củ , quả tại chợ đầu mối Hóc Môn có khoảng 85-90% được lấy từ các tỉnh thành như Đà Lạt, các tỉnh miền Tây, Hải Dương,... 

Tại chợ đầu mối Thủ Đức, các thương nhân cho biết rau củ quả được trồng theo mùa vụ, có nhiều mặt hàng chỉ kéo dài 3 - 4 tháng, những tháng còn lại không có hàng buộc phải nhập từ nước khác để đủ cung cấp cho thị trường tiêu dùng.

"Lượng rau củ ở Việt Nam không đủ cung ứng cho thị trường. Nhiều mặt hàng Việt Nam không trồng được thì bắt buộc phải nhập khẩu từ các nước. Riêng về vấn đề nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa trước khi vào sạp đã được Ban quản lý chợ kiểm tra, ghi chú cụ thể rõ ràng. Định kỳ, chúng tôi còn gửi các mẫu đi kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm và hầu như chưa có trường hợp nào vi phạm”, tiểu thương tại chợ Đầu mối Hóc Môn chia sẻ.

Tỏi, hành tím là một trong những mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều nhất tại các chợ đầu mối.

Liên quan đến vấn đề kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hàng nông sản, Ban quản lý các chợ đầu mối nông sản tại TP.HCM cho biết đã tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa; tổ chức nhiều buổi tập huấn về việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản cho các thương nhân tại chợ. Đồng thời, hỗ trợ các thương nhân lấy mẫu rau, củ, quả đi xét nghiệm, kiểm tra độ an toàn đúng theo quy định.

“Nhiều năm qua, Ban quản lý chợ luôn tổ chức quản lý chặt chẽ việc ghi chép nhật ký nhập hàng nông sản của các thương lái và thương nhân hằng ngày, sau đó nhập lên hệ thống để quản lý nguồn gốc hàng hóa. Đối với mặt hàng nhập khẩu, các thương lái phải cung cấp đầy đủ các hóa đơn, hợp đồng, giấy kiểm dịch khi qua cửa khẩu,... mới được đưa hàng vào chợ”, ông Nguyễn Bình Phương - Phó Giám đốc bộ phận kinh doanh tiếp thị Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức cho biết.

Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ còn gặp khó khăn do sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, tiểu thương hoạt động theo kiểu truyền thống, hàng hóa không bao bì, nhãn mác.

Hàng nhập khẩu được đóng gói, dán nhãn mác, có hóa đơn nhập khẩu đầy đủ mới được đưa vào chợ.

Theo ông Phan Anh Tuấn - Trưởng phòng quản lý An toàn thực phẩm và Môi trường chợ đầu mối Nông sản Hóc Môn, hiện các cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh thành có quy mô còn nhỏ, ít vốn, việc mua sắm trang thiết bị áp dụng đồng bộ công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến còn hạn chế; nhận thức của một số cơ sở về sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ hoặc tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản còn chậm… do đó công tác truy xuất nguồn gốc mất nhiều thời gian.

Đối với vấn đề kiểm tra an toàn thực phẩm, Ban quản lý các chợ đầu mối cho biết việc lấy mẫu mang đi xét nghiệm, lấy kết quả mất 3 - 4 ngày, trong khi các mặt hàng tiêu thụ trong ngày đã hết. Vì vậy, để ngăn chặn nguồn hàng có nguy cơ không đảm bảo an toàn là điều rất khó khăn.

Qua đó, để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và tạo điều kiện cho việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhanh chóng, Ban quản lý các chợ khuyến nghị cần đẩy mạnh hình thành vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, tập trung; khuyến khích người dân sơ chế và dán nhãn mác tại nguồn. Đặc biệt, đề xuất kiểm tra an toàn thực phẩm ngay tại địa phương trước khi đưa vào các chợ. Để thực hiện tốt các công tác trên đòi hỏi sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các sở, ngành, địa phương.

Thanh Thảo