Demo Day: Tìm kiếm, ươm tạo các nhóm khởi nghiệp xã hội trong trường đại học

(SHTT) - Chương trình tăng tốc khởi nghiệp xã hội Vietnam Social Challenger Sunny do Quỹ The Happiness Foundation (quỹ phi lợi nhuận thuộc Tập đoàn SK-Hàn Quốc) tài trợ và Viện nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID) tổ chức Sự kiện Chung kết (Demo Day) với sự tham gia của các trường đại học, các tổ chức hỗ trợ, các đội thi…

Chương trình Tăng tốc Khởi nghiệp Xã hội dành cho sinh viên Việt Nam: Vietnam Social Challenger Sunny (VSCS) 2022 chính thức được khởi động vào tháng 05 năm 2022. Chương trình được tổ chức với mục tiêu tìm kiếm, ươm tạo cho các nhóm khởi nghiệp xã hội trong các trường đại học, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để các nhóm có thể triển khai dự án của mình thành hiện thực. Chặng đường VSCS 2022 đã dần khép lại sau 6 tháng đồng hành cùng với 7 nhóm khởi nghiệp xã hội. Sự kiện Demo Day là là nơi trình diễn báo cáo sự trưởng thành, cũng như tìm kiếm cơ hội tiếp tục được đầu tư vào giai đoạn phát triển tiếp theo của 5 khởi nghiệp xã hội.

 PGS. TS Trương Thị Nam Thắng, Nghiên cứu trưởng Viện IID

Phát biểu tại Sự kiện PGS. TS Trương Thị Nam Thắng, Nghiên cứu trưởng Viện IID cho biết: Tôi có may mắn là một trong những người đầu tiên mà Quỹ the Happiness Foundation đến đặt vấn đề về việc làm thế nào để thúc đẩy sáng tạo xã hội trong thanh niên ở Việt Nam từ cách đây 5 năm, từ năm 2018, năm nào (kể cả 2 năm covid vừa qua, tôi và các đồng nghiệp có cơ hội tổ chức ít nhất 1 bootcamp về khởi nghiệp xã hội giao lưu giữa sinh viên 3 nước Hàn Quốc Trung quốc và Việt Nam. Sau 4 năm thực hiện các bootcamp, chúng tôi cũng đã học được nhiều điều, tuy nhiên chúng tôi với tư cách là các đối tác đồng hành đặt câu hỏi chúng tôi có thể làm nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa hay không cho khởi nghiệp xã hội ở Việt Nam.

Đầu năm 2022, Chúng tôi ở Viện IID và Quỹ The Happiness Foundation cùng nhau thực hiện phỏng vấn sâu các bên liên quan để hiểu được thực sự nhu cầu của sinh viên việt nam về khởi nghiệp xã hội là gì, và chúng tôi phát hiện ra 3 quan sát quan trọng như sau:

    1. Có nhiều cuộc thi khởi nghiệp, nhưng chỉ dừng lại cuộc thi

     2. Có khá ít các cuộc thi về khởi nghiệp chuyên về sáng tạo và khởi nghiệp xã hội

     3. Hầu như thiếu vắng các chương trình ươm tạo khởi nghiệp cho sinh viên, không có các hoạt động hỗ trợ sau cuộc thi, đặc biệt về hỗ trợ kỹ thuật và tài chính

 Đấy chính là lý do ra đời của chương trình VSCS 2022 (Việt Nam social challenger sunny 2022: với tagline là "The change we make").

VSCS 2022 là chương trình duy nhất và đầu tiên ở Việt Nam chuyên về hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp xã hội trong sinh viên. VSCS 2022 không chỉ mong muốn lan toả tinh thần khởi nghiệp vì xã hội mà còn mong muốn hỗ trợ các ý tưởng trở thành dự án hành động sáng tạo và thay đổi xã hội thực sự. Chủ đề của VSCS 2022 là hướng đến tìm kiếm các dự án giải quyết 3 mục tiêu phát triển bền vững (SDG): SDG 4 (giáo dục chất lượng), SDG 8 (bất bình đẳng), SDG 12 và 13 (Hành động vì môi trường).

5 nhóm khởi nghiệp đến từ các trường đại học khác nhau của Việt Nam đã trải qua 6 tháng đào tạo và trưởng thành trong đó đã tham gia 10 ngày đào tạo kiến thức về khởi nghiệp, tham gia 2 bootcamp để xây dựng tinh thần đồng đội, đi thăm quan doanh nghiệp xã hội để được truyền cảm hứng, mỗi nhóm được phân công từ 2 đến 3 mentor (cố vấn) và 1 buddy (thanh niên hỗ trợ) đồng hành. Các nhóm đã trải qua 2 sự kiện pitching vòng 1 vào tháng 7, vòng 2 vào tháng 9, sự kiện Demo Day sắp tới chính là pitching vòng 3. Mỗi vòng pitching đều với mục tiêu thu hút và nhận vốn đầu tư. Tổng toàn bộ tiền vốn mối cho 3 vòng pitch của chương trình là 10,000 USD.

 

Kết quả của cuộc thi:

Giải Nhất: Dự án Food Town - một nền tảng website với mục đích giảm thiểu lượng thực phẩm cuối ngày từ các nhà hàng và đem đến các suất ăn với mức giá phải chăng cho người tiêu dùng.

- Giải Nhì: Dự án AI CARE với đề tài “Hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo giúp phát hiện và cảnh báo những vấn đề sức khỏe ở người cao tuổi”-

- Giải Ba: Dự án Career UP với đề tài “Nền tảng lựa chọn trường đại học”.

Thanh Tùng