Đại biểu Quốc hội đề xuất xử lý cả người tiêu dùng cố tình mua hàng giả

Để bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững, đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh cho rằng cần công bằng trong việc xử lý người bán và người tiêu dùng cố tình mua hàng giả.

Thời gian qua, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là vấn đề nhức nhối trong dư luận xã hội. Nhiều người nhờ buôn bán hàng vi phạm trở nên giàu có nhanh chóng, còn doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Góp ý tại thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho rằng hàng giả có nghĩa là hàng nhái thương hiệu nổi tiếng, việc mua bán hàng giả hiện rất phổ biến với cả người mua và người bán.

Đại biểu Hạnh đặt ra câu hỏi: Trong khi người bán hàng giả nếu bị phát hiện sẽ bị cơ quan chức năng xử lý theo luật, người cố tình mua hàng giả có vi phạm hay không? 

"Thực tế, nhiều hàng giả thương hiệu nổi tiếng được bán công khai và người tiêu dùng sử dụng một cách vô tư nhưng trong pháp luật chưa có rõ trong vấn đề này. Do đó, để bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững cần công bằng trong vấn đề này với cả người bán lẫn người mua", bà Hạnh nhấn mạnh.

Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM phát hiện nhiều tiểu thương bán hàng giả, hàng nhái tại Saigon Square.

Ngoài ra, theo bà, nếu không nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng thì nhiều khi lẫn lộn, cuối cùng sẽ có nhiều người phải bỏ tiền thật để mua hàng giả.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) đóng góp Điều 18 về "xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng". Ông Khánh cho rằng người tiêu dùng mua sản phẩm kém chất lượng thì cần có chế tài mạnh.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh: "Vừa rồi có rất nhiều trường hợp liên quan đến thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh chữa được bách bệnh được các nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo, bán hàng trên mạng rùm beng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng điều tra thì các sản phẩm này không có chức năng như vậy. Nghệ sĩ bị ảnh hưởng uy tín và chỉ xin lỗi là xong, coi như không có chuyện gì xảy ra".

Từ đó, Đại biểu đoàn Đồng Nai đặt ra băn khoăn, việc xử lý những nghệ sĩ đó như thế nào để không tái diễn nữa. Đồng thời cũng cần xem xét lại các công ty, doanh nghiệp quảng cáo đó.

Cho ý kiến về quyền lợi bảo vệ người tiêu dùng, ĐBQH Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng, dự thảo Luật đưa ra quyền và trách nhiệm rất nhiều, nhưng nếu không có người tư vấn, người tiêu dùng không hiểu biết gì thì rất khó bảo vệ.

"Tôi lấy ví dụ một túi hàng hiệu trị giá 200 triệu đồng nhưng không được tư vấn cẩn thận người tiêu dùng có thể mua phải hàng không chuẩn (giá chỉ 4 triệu đồng mà phải mua với giá vài trăm triệu). Cho nên, cần phải cho người tiêu dùng được tư vấn đầy đủ những sản phẩm muốn mua, có nhu cầu", đại biểu Cừ nêu. 

Nhật Linh (tổng hợp)