Long An: Xử phạt nghiêm với hành vi sản xuất và kinh doanh phân bón giả

(SHTT) - Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Long An vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng với số tiền trên 200 triệu đồng.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục QLTT Long An tiến hành kiểm tra tại hộ kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Đức Huệ. Trong quá trình kiểm tra, Đoàn đã lấy mẫu phân bón tại hộ kinh doanh T.T.P để kiểm tra chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm mẫu phân bón có hàm lượng dưới 70%, là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng. Với hành vi buôn bán hàng giả (cụ thể là phân bón) về giá trị sử dụng, công dụng, hộ kinh doanh T.T.P đã bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền là 40 triệu đồng và buộc phải tiêu huỷ 15 bao phân bón vi phạm.

Căn cứ hóa đơn bán hàng, Cục QLTT chỉ đạo Đội QLTT số 1 tiếp tục kiểm tra, xử lý cửa hàng vật tư nông nghiệp N.T.R, có địa chỉ trên địa bàn huyện Đức Huệ (đơn vị đã bán 15 bao phân bón cho hộ kinh doanh T.T.P). Với vi phạm về buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng, hộ kinh doanh N.T.R tiếp tục bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc nộp lại số tiền thu được do thực hiện hành vi vi phạm bán hàng giả với tổng số tiền là 51,2 triệu đồng.

Căn cứ nhãn hàng hóa ghi trên bao bì và hóa đơn bán hàng, Cục QLTT tiếp tục chỉ đạo Đội QLTT số 6 kiểm tra đơn vị sản xuất của 15 bao phân bón vi phạm trên. Qua làm việc, xác minh, doanh nghiệp thừa nhận đã sản xuất và xuất bán 15 bao phân bón trên cho hộ kinh doanh N.T.R.

 Long An: Xử phạt nghiêm với hành vi sản xuất và kinh doanh phân bón giả

Với vi phạm trên, ngày 26/10/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp sản xuất phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng với số tiền là 120 triệu đồng. Đồng thời buộc doanh nghiệp nộp lại số tiền thu được do thực hiện hành vi vi phạm là 10,5 triệu đồng.

Như vậy, với vi phạm về kinh doanh 15 bao phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng do Đội QLTT số 1 kiểm tra, phát hiện vào ngày 21/7, đến nay, Cục QLTT Long An đã chỉ đạo các Đội QLTT truy xuất nguồn gốc, kiểm tra, xử lý cơ sở bán và doanh nghiệp sản xuất với tổng số tiền là 221,75 triệu đồng.

Có thể thấy, thực trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng hiện nay không chỉ gây ảnh hưởng nhiều đến uy tín của các đơn vị sản xuất phân bón mà còn làm cho suy kiệt “sức khỏe đất trồng trọt” dẫn đến cây trồng không đạt năng suất. Thêm vào đó, hàng năm Việt Nam sử dụng trên 11 triệu tấn phân bón, trong đó có từ 30-50% là phân bón giả, kém chất lượng. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ của các đơn vị sản xuất chân chính trên thị trường.

Được biết, thủ đoạn làm giả phân bón của một số đối tượng rất công khai thông qua việc các cơ sở sản xuất dùng 2 loại bột là Dolomite, thực chất là một dạng bột đá chỉ có giá từ 400 đến 500 ngàn đồng/tấn trộn với bột Caolanh (thực chất là đất sét) sau đó se lại thành viên và sấy khô rồi đóng bao ghi rõ là phân bón rồi bán ra thị trường. Trong khi đó giá phân bón bán ra trên thị trường hiện nay từ 17.500 đến 18.000 đồng/kg. Do lợi nhuận từ phân bón giả mang lại là rất lớn, nên một số đối tượng tìm mọi cách để sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.

Cùng với đó là công nghệ làm bao bì giả rất giống với vỏ bao bì thật của doanh nghiệp lớn có đăng ký sở hữu nhãn mác. Việc sản xuất phân bón giả quá dễ dàng, thậm chí có trường hợp theo phản ánh ngay thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra lấy mẫu kiểm tra chất lượng thì lô hàng vẫn được mang đi tiêu thụ.

Hậu quả do nạn phân bón giả gây ra là rất lớn, làm cho hàng triệu người dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì cây trồng bị thiệt hại, năng suất thấp không có tiền thanh toán mua vật tư nông nghiệp, cuối cùng phải bán đất trả nợ. Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Nguyên nhân khiến cho việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả hiện nay vẫn tồn tại đó là khâu quản lý nhà nước về lĩnh vực này thiếu chặt chẽ, bộc lộ nhiều bất cập; các quy định pháp luật về xử lý hành chính và hình sự đối với hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả còn nhiều kẽ hở, nên khi có vụ việc xảy ra, quá trình xử lý rất phức tạp; công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng của địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực này thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời. Quá trình thu hồi, xử lý phân bón giả rất phức tạp, thậm chí khi phát hiện được thì hàng hóa đã tiêu thụ hết.

Thanh Tú