Hơn 300 dự án tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp

Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp - CiC 2022” thu hút hơn 300 ý tưởng giải pháp sáng tạo và dự án khởi nghiệp. Sau hơn 7 tháng huấn luyện với 4 vòng thi đầy thử thách, 21 dự án xuất sắc của hai bảng sinh viên và học sinh đã bước vào vòng chung kết, với sự đánh giá cao của các chuyên gia.

“Ý tưởng Khởi nghiệp - Creative idea Challenge (CiC) 2022” là cuộc thi khởi nghiệp thường niên của Đại học Quốc gia TP. HCM dành cho học sinh, sinh viên trên toàn quốc và quốc tế.

Phát biểu khai mạc chung kết, PGS. TS Nguyễn Đình Tứ, Chánh văn phòng ĐHQG TP. HCM cho biết: “Cuộc thi là môi trường ươm mầm tạo ra những doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng, những nhà chuyên môn giỏi với tư duy đổi mới sáng tạo, sử dụng trí tuệ, bản lĩnh của mình để góp phần xây dựng đất nước. Và đây là ý nghĩa phục vụ cộng đồng – một trong 3 trụ cột chính của ĐHQG TP.HCM”.

Năm nay cuộc thi thu hút hơn 700 thí sinh đăng ký tham dự từ 215 trường Đại học, Cao đẳng, Trung học trên khắp cả nước, với hơn 300 ý tưởng giải pháp sáng tạo và dự án khởi nghiệp. Tại đêm chung kết, 21 dự án xuất sắc của hai bảng sinh viên và học sinh đã góp mặt tranh tài.

Với bảng sinh viên, dự án “Cơm nhà nha” đã đạt giải Nhất, theo đánh giá của Ban Giám khảo, đây là mô hình kinh doanh mới lạ, có thể khai thác được ở phân khúc khách hàng có nhu cầu thưởng thức bữa ăn truyền thống, chất lượng. Không chỉ đáp ứng bữa ăn của sinh viên, dự án còn có triển vọng mở rộng quy mô, tiếp cận các đối tượng khách hàng là nhân viên văn phòng, giáo viên…

 Với bảng sinh viên, dự án “Cơm nhà nha” đã đạt giải Nhất tại cuộc thi “Ý tưởng Khởi nghiệp - Creative idea Challenge (CiC) 2022”. 

Lê Trần Hải Yến, sinh viên trường Đại học Fulbright – nhóm trưởng dự án cho biết: “Từ trải nghiệm bản thân là học sinh sống xa nhà, mình hiểu được những khó khăn của các bạn khi phải tìm kiếm bữa ăn chất lượng. Chính bản thân mình phải ăn ngoài thường xuyên và gặp các vấn đề về sức khỏe”.

Điểm đặc biệt của “Cơm nhà nha” là nền tảng giúp kết nối các bạn sinh viên với những người phụ nữ nội trợ, lao động gia đình, những người thất nghiệp… để có thể nấu cho các bạn bữa cơm mang hương vị gia đình, đủ chất dinh dưỡng mà giá cả hợp lý. Cũng qua đó, ứng dụng không chỉ đưa đến bữa cơm ngon mà còn góp phần giải quyết vấn đề việc làm. Ưu điểm thứ hai của nền tảng này là tập trung vào chất lượng hạt gạo trong bữa ăn, đây là điều mà hiện nay trên thị trường Việt Nam vẫn chưa có một nền tảng nào đáp ứng. 

Hiện tại dự án vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm tại một số trường Đại học trên địa bàn TP.HCM với lượng khách chủ yếu là sinh viên. Bước đầu, dự án đã đạt được một số kết quả khả quan, điển hình như việc phần lớn khách hàng quay trở lại sau lần đầu trải nghiệm. 

Với bảng học sinh, Ban tổ chức đã trao giải Nhì cho dự án “Phần mềm quản lý nề nếp”, điểm ấn tượng của dự án này là ý tưởng được khởi phát từ hai bạn học sinh lớp 9 và lớp 11.

Trần Minh Tuấn, học sinh trường Trường THCS Nguyễn Du, tỉnh Đắk Nông – nhóm trưởng dự án cho biết: “Ý tưởng dự án xuất phát từ vấn đề mất dữ liệu của cờ đỏ khi sử dụng giấy tờ để quản lý, gây khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động của học sinh. Phần mềm này ra đời nhằm mục đích giúp việc quản lý dữ liệu và hoạt động của học sinh được thực hiện một cách dễ dàng và nhanh chóng. Đó cũng có thể xem là chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục”.

Dự án được xây dựng nhằm rút ngắn thời gian cho cờ đỏ, chi đội trưởng và giáo viên trong quá trình làm việc. Bên cạnh đó, dự án có thể lưu trữ lâu dài các dữ liệu và tránh bị mất cắp nhờ hệ thống bảo mật. “Điểm đặc biệt là tính bảo mật tuyệt đối cho người dùng, vì đây là phần mềm quản lý nên được đầu tư kỹ vào chức năng này, với 2 lớp bảo mật tránh rò rỉ thông tin. Ngoài ra, phần mềm được viết trên ngôn ngữ Access - một ngôn ngữ dễ dàng quản lý dữ liệu khi lưu trữ”, Minh Tuấn cho biết.

Dự án được ông Trương Minh Đạt, CEO BenKon đánh giá cao, nhóm dự án hiểu đúng nhu cầu thị trường và người dùng, đặc biệt là tại các trường công nơi luôn có những đội cờ đỏ trực hằng ngày. 

Hiện tại, dự án đã được triển khai tại một số trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Nhóm dự án cũng nhận được sự giúp đỡ của các Phó, Trưởng Phòng Giáo dục tỉnh cho phép quảng bá và sử dụng tại các trường học.

“Các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu có được từ cuộc thi CiC như Inut Platform, nền tảng IoT, giúp chuyển đổi số trong nông nghiệp, dân dụng; Shub, nền tảng chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo hay dự án Funimart về thương mại điện tử. Và từ các cuộc thi này, có rất nhiều sinh viên tài năng đã trưởng thành, đang trở thành doanh nhân hoặc những người đóng vai trò quan trọng trong các tập đoàn, công ty lớn”, PGS. TS Nguyễn Đình Tứ, Chánh văn phòng ĐHQG TP. HCM chia sẻ.

Bình Tú