AI4VN 2022: Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo từ doanh nghiệp

(SHTT) - Trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022, các doanh nghiệp đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong lĩnh vực này.

Theo ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Giải pháp doanh nghiệp, Trung tâm Không gian mạng Viettel, AI sẽ trở thành phương thức chính thức để khách hàng tương tác với các doanh nghiệp, đặc biệt là ngân hàng. Trong 3 năm tới, tích lũy về cơ sở dữ liệu AI sẽ mang lại giá trị lớn, góp phần giải quyết nhiều vấn đề.

“Đây là giai đoạn rút ngắn thời gian để đưa lại giá trị cho doanh nghiệp. 42% chuyên gia tại các doanh nghiệp chưa hiểu nguy cơ bị tụt hậu nếu không tiếp cận AI. Do đó với vai trò đơn vị tư vấn và mang giải pháp, chúng tôi tập trung xây dựng khái niệm chung về AI, từ đó góp phần giúp công ty đưa ra quyết định đầu tư để tối ưu chi phí”, ông Vinh cho biết.

Trong khi đó, ông Đặng Hoàng Vũ, Giám đốc AI mảng Tăng trưởng Kinh doanh của MoMo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng AI tại chính doanh nghiệp của mình. Với công nghệ AI, MoMo cho phép người dùng mở tài khoản ngân hàng trực tiếp trên MoMo App, không cần gặp mặt. Người dùng có thể chọn các ngân hàng đối tác MoMo, trong trường hợp không thành công có thể chuyển sang đăng ký ngân hàng khác mà không cần thực hiện lại các bước đăng ký.

 

Ứng dụng AI được MoMo triển khai khắp các điểm chạm với người dùng như: tìm kiếm, hiển thị dịch vụ, phân phối quảng cáo, khuyến mãi... để thúc đẩy tương tác và đem lại trải nghiệm đơn giản, tiện lợi hơn. Nhờ đó, MoMo đạt được một số thành công nhất định khi áp dụng AI như: tỷ lệ click tăng 16%; thời gian trung bình từ lúc người dùng tìm kiếm đến khi click giảm 7% thời gian; số lượng dịch vụ trung bình được mỗi người dùng khám phá qua màn hình tăng 15%; quảng cáo của đối tác bên ngoài tăng 6%...

“Về hiệu quả kinh doanh, so sánh 6 tháng, vay nhanh của MoMo đã tăng 260%; ví trả sau tăng 42%; tỷ lệ rủi ro của vay nhanh giảm 15%, của ví trả sau giảm 64%. Về mặt người dùng, AI đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng. Cụ thể, đối với sản phẩm vay nhanh, quy trình phê duyệt mất khoảng 3 phút, tỷ lệ được duyệt chiếm khoảng 60%. Nếu so sánh với sản phẩm tín dụng online, chúng tôi rút ngắn thời gian khoảng 6 lần, tỷ lệ được duyệt tăng gấp rưỡi. Đây là kết quả của sự kết hợp giữa AI và các bộ phận khác”, ông Vũ cho hay.

Ở phần tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng AI từ doanh nghiệp, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đảm nhiệm vai trò điều phối, với các khách mời là bà Stela Solar, Giám đốc Trung tâm Trí tuệ nhân tạo Quốc gia (Australia); ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ tập đoàn FPT; ông Hoàng Ngọc Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel; ông Thái Trí Hùng, CTO MoMo và ông Nguyễn Phan Việt Phương, Giám đốc ngành hàng máy giặt, công ty Aqua Việt Nam.

Đại diện các doanh nghiệp đến từ MoMo, Aqua, Viettel... cùng chia sẻ về áp dụng AI, đưa công nghệ vào từng sản phẩm trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Với sản phẩm demo ứng dụng AI quét và nhận diện gương mặt người dùng trong các giao dịch tài chính, ông Thái Trí Hùng cho biết, dữ liệu của ví điện tử này có thể nhận diện được khoảng 35 triệu gương mặt dựa trên nền tảng eKYC.

Ông Nguyễn Phan Việt Phương cho hay công nghệ AI đã được ứng dụng nhiều vào các mặt hàng điện tử gia dụng như TV, máy hút bụi, máy giặt. Trong khi ông ông Hoàng Ngọc Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel nhận định AI hiện nay đi vào mọi ngõ ngách, khu vực rất nhỏ như tự động hóa, đồ gia dụng... giúp mang lại nguồn doanh thu lớn, tối ưu chi phí cho doanh nghiệp và tăng trải nghiệm của khách hàng.

Trả lời câu hỏi về sự phát triển AI ở Việt Nam của Thứ trưởng Bùi Thế Duy, ông Vũ Anh Tú lấy trường hợp của FPT luôn xác định AI là mũi nhọn chuyển đổi số của tập đoàn. Riêng với AI, sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt trên toàn thế giới khiến các giải pháp của FPT luôn bị so sánh với Big Tech toàn cầu.

Còn bà Stela Solar cho biết AI ứng dụng được rất nhiều trong thị trường, giúp giải quyết những thách thức khách hàng đang phải đối mặt và tìm cách phục vụ họ. Bà đồng thời nhấn mạnh các nguyên tắc về đạo đức rất có ích trong phát triển AI và ứng dụng vào cuộc sống. "Chúng ta cần cân bằng giữa pháp luật và nguyên tắc đạo đức trong việc ứng dụng AI", bà khuyến nghị.

Thái Tú