Cung đường trekking tuyệt đẹp ở Bình Định và mô hình du lịch bền vững

Những đôi chân mê trekking sẽ không thể bỏ qua cơ hội chinh phục thác Piano, nằm lọt thỏm giữa khu rừng nguyên sinh An Toàn, nơi chưa có dấu chân khách du lịch tại Bình Định.

Mô hình du lịch bền vững

Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, xã An Toàn huyện An Lão được ví như “Nóc nhà Bình Định”. Đường lên "Nóc nhà” có lẽ là cung đường đèo đẹp nhất trong tỉnh, thôi thúc những bước chân của giới trẻ đam mê khám phá nét đẹp hoang sơ.

Nơi đây đang dần nổi lên mô hình du lịch bền vững của người dân địa phương với các tour trekking thác tuyệt đẹp trong khu bảo tồn An Toàn. Anh Trần Văn Bé (sinh năm 1991), một trong những hướng dẫn viên bản địa đang góp phần phát triển mạnh mô hình du lịch bền vững tại vùng cao An Toàn.

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất núi rừng đại ngàn, anh Bé say mê cảnh đẹp hùng vĩ của mẹ thiên nhiên nơi đây. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Bé tìm đến những khu du lịch nổi tiếng để làm hướng dẫn viên và trau dồi thêm kiến thức làm du lịch.

 Anh Trần Văn Bé - hướng dẫn viên bản địa tại An Lão.

Sau 5 năm tích lũy kinh nghiệm, đến năm 2020, anh Bé quyết định quay về địa phương khởi nghiệp, làm du lịch cùng 2 người bạn khác. Anh Bé cùng anh Hoàng Văn Mão, chàng thợ rừng Phan Thao đã thành lập công ty du lịch với các tour trekking khám phá thiên nhiên hoang dã.

"Mình muốn mang những kinh nghiệm đã tích lũy được về du lịch để mang về cho quê hương chút gì đó, để thay đổi và phát triển du lịch ở quê nhà", anh Bé chia sẻ.

Anh đã thuyết phục những người dân bản địa bỏ việc khai phá rừng và phát triển mô hình du lịch bền vững, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, đưa An Lão thành một điểm đến trên bản đồ du lịch Việt Nam.

“Thay vì ngày ngày khai thác rừng thì mình hãy bảo vệ và giữ lại nét đẹp nguyên sơ vốn có của rừng để làm du lịch. Khách du lịch rất thích khám phá vẻ đẹp hoang sơ của rừng. Như vậy, mình vừa bảo vệ được rừng vừa tạo được việc làm, thu nhập ổn định cho người dân bản địa”, anh Bé nói.

Theo anh Bé, hiện tại có những cung đường trekking mà du khách rất yêu thích như thác K50, thác Piano, thác Giáng Tiên.

Cung đường đến với rừng già An Toàn

Hành trình khám phá thác Piano 2 ngày 1 đêm với đoạn đường treking dài khoảng 20km. Xuất phát từ Cafe Dốc Đá Mòn đi xe máy đến xã An Toàn – ngôi làng cao nhất tỉnh Bình Định. Du khách sẽ để xe lại bìa rừng và bắt đầu cung đường trekking 20km đường rừng.

Sau khi đến được chân thác Piano, du khách sẽ trải nghiệm bắt cá, bắt ốc hay ngâm mình dưới hồ nước mát lạnh. Sau một đêm ngủ lại giữa rừng sâu, khách sẽ bắt đầu hành trình đi ngược lại để kết thúc chuyến trekking.

 Len lỏi trong khu rừng nguyên sinh, du khách mới cảm nhận hết vẻ đẹp thiên nhiên.

Theo chân những hướng dẫn viên bản địa bước vào thiên nhiên hoang dã, du khách có thể nghe tiếng suối chảy róc rách lẫn trong tiếng chim rừng ca ríu rít, hòa mình vào không khí mát lạnh và ngẩn ngơ trước cảnh đa sắc màu của cỏ cây hoa lá rừng. Xuyên suốt đoạn đường, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng của thảm thực vật khi băng qua khu rừng rộng lớn, bao phủ bởi những cây cổ thụ to lớn.

Không chỉ vậy, đây cũng là cơ hội để du khách thưởng thức những món quà tặng từ mẹ thiên nhiên trong mùa trái rừng chín: sim, ổi, dâu rừng…

Hai bên thác có những vách đá xếp đều nhìn như phím đàn piano.

Khám phá thác Piano nằm lọt thỏm giữa khu rừng nguyên sinh An Toàn, trải nghiệm ngâm mình dưới dòng suối trong vắt giữa rừng già và cắm trại, ngủ lều tại ngay chân thác, thưởng thức BBQ giữa rừng già là những kỷ niệm đáng nhớ cho du khách.

Tham gia bắt ốc dưới chân thác là trải nghiệm tuyệt vời với mọi du khách.

Cung đường này đẹp nhất vào giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 7 khi đồi sim bắt đầu ra hoa đến lúc chín. Nếu tháng 3 hoa sim nở rực nhuộm tím một góc trời thì có lẽ tháng 7 chính là thời điểm trái sim chín mọng, nặng trĩu cành đợi dân làng đến thu hoạch.

 Du khách sẽ cắm trại và ngủ qua đêm dưới chân thác Piano.

Chia sẻ về dự định tương lai, anh Bé cho biết, trong thời gian tới anh và những người đi rừng kì cựu sẽ cố gắng tìm những cung đường mới, địa điểm mới, khác biệt ở khu bảo tồn để du khách cảm nhận được hết vẻ đẹp của thiên nhiên và con người An Lão.

“Mong muốn trong tương lai của mình là sẽ phát triển hơn nữa du lịch địa phương nhưng sẽ vẫn giữ được vẻ hoang sơ, bình yên và nhẹ nhàng vốn có. Mình muốn mọi thứ sẽ nhẹ nhàng, không quá tấp nập”, anh Bé nói.

Minh Huy