Tài sản nào cần xác lập quyền sở hữu toàn dân?

Trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân trong nước tặng tiền để trao học bổng cho học sinh thì không thực hiện xác lập quyền sở hữu toàn dân do đối tượng thụ hưởng là học sinh, sinh viên của trường, không phải là cơ quan nhà nước nhận tài trợ.

Theo bà Hoàng Thị Cẩm Thành tham khảo Khoản 4, Điều 3 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 5/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân như sau:

"4. Tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hạch toán ngân sách nhà nước và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước)".

Bà Thành hỏi, trường hợp các cơ quan, đơn vị, trường học được các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân trong nước tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật để cấp học bổng cho học sinh hoặc tài trợ bằng tiền cho cơ quan, trường học để mua sắm một số tài sản thì phải thực hiện xây dựng phương án xác lập quyền sở hữu toàn dân để trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân và phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân đúng không? Với giá trị bao nhiêu thì xác lập sở hữu tài sản toàn dân?

 

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Tại Khoản 4, Điều 106 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định:

"Điều 106. Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

3. Tài sản do các chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước bao gồm: tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Nhà nước Việt Nam".

Tại Khoản 4, Điều 3 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 5/3/2018 của Chính phủ quy định:

"Điều 3. Tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân

4. Tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hạch toán ngân sách nhà nước và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước)".

Căn cứ quy định trên, trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân trong nước tặng tiền để trao học bổng cho học sinh (việc trao học bổng có thể thông qua nhà trường hoặc học bổng ghi tên của các nhà tài trợ) thì không thực hiện xác lập do đối tượng thụ hưởng là học sinh, sinh viên của trường, không phải là cơ quan nhà nước nhận tài trợ.

Trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân trong nước tặng tiền để mua sắm một số tài sản cho nhà trường thì cần làm rõ trong văn bản tài trợ về việc thỏa thuận giữa hai bên là nhận tài trợ bằng tiền hay tài sản.

Trường hợp nhận tài trợ bằng tiền thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo), pháp luật về ngân sách, không thực hiện xác lập theo Nghị định số 29/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Trường hợp nhận tài trợ là tài sản (tài sản này có thể do nhà tài trợ trực tiếp mua hoặc thông qua nhà trường thực hiện mua) thì thực hiện xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP và Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành. Theo đó, không quy định về giá trị tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Theo Báo điện tử Chính phủ