Bạc Liêu: Phát hiện 3,5 tấn tôm sú ướp lạnh có chứa tạp chất

(SHTT) - Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Bạc Liêu đã kiểm tra phương tiện vận tải có biển kiểm soát số 63C-131.71 và phát hiện khoảng 3,5 tấn tôm sú ướp lạnh có chứa tạp chất.

Thực hiện công văn số 1294/UBND-NC ngày 25/4/2022 của UBND tỉnh Bạc Liêu về việc tăng cường công tác đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tôm tạp chất.

Theo chỉ đạo của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bạc Liêu, Đội QLTT số 4 đã lập phương án phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông số 1 thuộc Phòng cảnh sát giao thông tỉnh Bạc Liêu tiến hành dừng phương tiện vận tải có biển kiểm soát số 63C-131.71, đồng thời ra quyết định khám toàn bộ hàng hóa trên xe do ông L.T.T điều khiển.

 

Qua khám thực tế, Đội phát hiện khoảng 3,5 tấn tôm sú ướp lạnh có chứa tạp chất bên trong xe của ông L.T.T. Đội QLTT số 4 tiến hành ra quyết định tạm giữ số hàng trên, chờ thu thập, xác minh làm rõ, để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đang tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm vấn nạn tôm tạp chất, góp phần tạo dựng thương hiệu tôm sạch Bạc Liêu.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) từng khẳng định, việc bơm tạp chất vào tôm trước hết phải nói đến là hành vi gian lận thương mại. Loại tạp chất thường được sử dụng để bơm vào tôm giúp tôm thêm cân nặng chính là bột agar hay còn gọi là bột rau câu.

Chuyên gia khẳng định, việc ăn tôm bơm tạp chất về lâu dài có thể gây nguy hại đường tiêu hóa, nhẹ thì ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, nặng hơn có thể tích tụ chất độc, chất bẩn trong người gây bệnh mãn tính.

Cách nhận biết tôm tạp chất

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT), muốn nhận biết tôm tạp chất, cần quan sát tổng quát toàn thân cho đến chi tiết từng bộ phận bên ngoài của tôm theo trình tự từ đầu đến đuôi, chú ý quan sát phần đầu, thân và đuôi tôm.

Phần đầu tôm: tôm đã bị bơm tạp chất thường có phần đầu bị phù, thậm chí nhô hẳn lên so với thân. Nắp mang phồng, ngậm nước.

 Phần thân: tôm có tạp chất có phần vỏ bụng đốt 1 hoặc đốt 3 (tính từ đầu xuống đuôi) bị trương phồng, ngậm nước, sờ tay vào thấy nổi vẩy.

Đốt thứ 3 bị giãn, thân tôm bị căng, thậm chí căng tròn mất tự nhiên

 Phần đuôi: Dấu hiệu tôm bị bơm tạp chất tại phần đuôi tương đối dễ nhận biết, đó là gai đuôi vểnh, cánh đuôi xòe.

Để tiếp tục khẳng định nghi vấn về tôm có tạp chất hay không, ta bóc tôm để kiểm tra:

Bóc vỏ đầu ức: cầm tôm dốc đầu xuống dưới, dùng tay bóc vỏ đầu ức tôm để lộ ra phần thịt đầu. Dùng mũi dao nhọn khéo léo lật và gạt khối gạch (gan tụy) lên để lộ xoang đầu ức. Quan sát tình trạng xoang đầu ức có đọng chất dịch khả nghi hay không.

Bóc vỏ thân tôm: sau khi bóc vỏ thân tôm, cần chú ý quan sát vẻ bề ngoài của thân tôm, đặc biệt ở các đốt thịt thứ 3, 4 và 6 xem có biểu hiện của sự phù nề các đốt cơ hay không. ở những thân tôm bị bơm tạp chất, có thể thấy rõ các đốt cơ bị phù nề không tự nhiên. Đối với tôm bị bơm nhiều tạp chất, dùng kim châm vào vị trí bụng hay lưng đốt cơ bị phù nề và lấy tay nặn có thể thấy tạp chất đùn ra.

Khi nghi ngờ tôm có tạp chất người tiêu dùng cần kiên quyết không mua, không sử dụng, cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng để thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý vi phạm của các đối tượng tổ chức bơm chích, sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất hoặc khi phát hiện các cơ sở tổ chức bơm tạp chất vào tôm.

Hà Anh