Sở Y tế Hà Nội thu hồi thuốc PQA, Rabesta 20 do không đạt tiêu chuẩn chất lượng

(SHTT) - Sở Y tế Hà Nội mới đây đã ra quyết định thu hồi thuốc PQA Sinh khí và thuốc Rabesta 20 do không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Tại văn bản 3366/SYT-NVD của Sở Y tế Hà Nội về việc thu hồi thuốc PQA Sinh khí nêu rõ, thực hiện Công văn số 830/YDCT-QLD ngày 26/7 của Cục Quản lý Y dược cổ truyền về việc xử lý thuốc PQA Sinh khí không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Sở Y tế thông báo thu hồi trên địa bàn Hà Nội thuốc PQA Sinh khí, SĐK: VĐ-32300-19, lô SX: 140121, NSX 14/01/2021, HD 14/01/2024 do Công ty Cổ phần dược phẩm PQA sản xuất. Mẫu thuốc không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính bạch truật, đương quy (vi phạm mức độ 2).

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Giám đốc Công ty TNHH dược phẩm và thương mại Đức Hà thu hồi triệt để lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, có gửi báo cáo thu hồi, hồ sơ thu hồi theo quy định; Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi sản phẩm trên.

 

Sở Y tế cũng yêu cầu Phòng y tế các quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi.

Tại văn bản số 3365 của Sở Y tế Hà Nội về việc thu hồi thuốc Rabesta 20 nêu rõ, thực hiện Công văn số 7107/QLD-CL ngày 26/7 của Cục Quản lý Dược về việc mẫu thuốc Rabesta 20 không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Sở Y tế thông báo thu hồi viên nén bao tan trong ruột Rabesta 20 (Rabeprazol natri 20mg), SĐK: VN 18521-12, Lô SX: V-159, NSX: 14/02/2022, HD 13/02/2024, Công ty Stallion Laboratories Pct. Ltđ (Ấn Độ) sản xuất, Công ty CP Dược thiết bị y tế Đà Nẵng nhập khẩu. Mẫu thuốc không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.

Sở Y tế yêu cầu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Huy Khánh thực hiện thu hồi triệt để lô thuốc không đạt chất lượng nêu trên; gửi báo cáo, hồ sơ thu hồi theo quy định.

Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi viên nén bao tan trong ruột ruột Rabesta 20 (Rabeprazol natri 20mg), SĐK: VN 18521-12, Lô SX: V-159, NSX: 14/02/2022, HD 13/02/2024 của các đơn vị.

Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, các cơ sở y tế ngoài công lập, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn khẩn trương rà soát, thu hồi lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của các cơ sở.

Có thể thấy nguy hiểm khi dùng thuốc kém chất lượng là vấn đề ai cũng biết, song theo thừa nhận của các cơ quan quản lý, phải mất rất nhiều thời gian để cơ quan chức năng đưa ra được kết luận một sản phẩm thuốc kém chất lượng. Vậy nên, với người dân, để biết sản phẩm nào tốt, sản phẩm nào không tốt khó như việc hái sao trên trời.

Để phát hiện thuốc kém chất lượng, chỉ có cách duy nhất là đưa đến kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Tuy vậy, có những loại thuốc, mất rất nhiều thời gian kiểm nghiệm, đến khi có kết quả thì thuốc đã nằm trong cơ thể người bệnh.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, theo các chuyên gia, việc ra các quyết định thu hồi, cảnh báo chất lượng, tương tác hay tai biến thuốc ở Việt Nam thường chậm hàng tháng, thậm chí nhiều tháng so với cảnh báo của cơ quan quản lý dược châu Âu và Mỹ. Bên cạnh đó, để thuốc kém chất lượng có cơ hội tiếp cận với người dùng là do sự minh bạch thông tin và giám sát việc đấu thầu các gói thầu cung cấp thuốc còn nhiều bất cập.

Minh Thư