Hoài Đức: Phát hiện nhiều hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

(SHTT) - Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế ma túy (Công an huyện Hoài Đức) đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng ngàn chai nước rửa Toilet OKay và nhiều loại hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Lực lượng liên ngành đã kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Hữu Việt Anh ở thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, do ông Nguyễn Hữu Thịnh làm chủ và phát hiện nhiều hàng hóa có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Cụ thể, lực lượng chức năng đã phát hiện 1.168 chai "Nước tẩy TOILET OKAY" có nhãn bằng tiếng nước ngoài. Trên sản phẩm có nhãn phụ thể hiện nội dung: Nước tẩy TOILET OKAY, 100% nhập khẩu, xuất xứ: Thái Lan; thể tích thực: 960 ml; Nhập khẩu và phân phối độc quyền: Công ty TNHH Hà Nam Sơn, TP. Hồ Chí Minh; Công ty CP Đầu tư & bán lẻ BT; Địa chỉ: GD2-15 cụm công nghiệp Ngọc Hồi, Hà Nội. Tuy nhiên, chủ sơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của các sản phẩm trên.

 

Theo xác minh ban đầu của đoàn kiểm tra, số hàng hóa trên có nhãn có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Ngoài ra, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang hoạt động đóng gói với thành phẩm là 4.000 gói bim bim có thương hiệu: Ống ma thuật, 3 anh em Food. Tuy nhiên, chủ cơ sở không xuất trình được hồ sơ công bố sản phẩm, nhãn hàng hóa có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Ngoài ra, tại khu vực đóng gói còn có 1,5 tạ bim bim nguyên liệu, không có nhãn mác; 5.000 chiếc vỏ túi đựng bim bim; 30 chiếc vỏ thùng carton; 01 máy hàn nhiệt, trên máy có chữ: YUZHONG DBF-1000.

Không chỉ đóng gói bim bim, cơ sở còn đang bày bán 37 thùng kẹo Lollipop nhãn bằng tiếng nước ngoài Lollipop (50 dây/thùng; 20 gói/dây). 

Khi kiểm tra, ông Nguyễn Hữu Thịnh hoàn toàn không trình bày được tính năng; cách sử dụng; thành phần; hạn sử dụng... cũng như không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm trên.

Theo xác minh ban đầu của đoàn kiểm tra, số hàng hóa trên có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ tại Việt Nam. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên và tiếp tục xác minh, làm rõ.

Mới đây, tại huyện Đan Phượng, Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 20, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra một đơn vị kinh doanh trên địa bàn huyện Đan Phượng.

Tại đây, tổ công tác đã phát hiện và thu giữ hơn 4.000 sản phẩm giả mạo các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Lacoste, Louis Vuitton, Adidas.

Tổng trị giá lô hàng vi phạm lên tới hơn 170 triệu đồng.

Để làm ra các sản phẩm hàng 'fake' vô cùng tinh vi, các đối tượng đã sử dụng nhiều loại máy in và các loại nhãn mác, vải may giả mạo nhãn hiệu và bắt chước thiết kế hàng thật để làm giả. 

Các đối tượng này cũng sử dụng nhiều chiêu trò nhằm qua mắt cơ quan chức năng. Cụ thể, qua công tác trinh sát, lực lượng chức năng biết được các đối tượng kinh doanh áo chống nắng giả mạo nhãn hiệu thường đặt hàng sản xuất ở một cơ sở rồi chuyển về một địa điểm khác để dập mác rồi mới đưa ra thị trường.

Được biết, khi khai nhận với lực lượng chức năng, chủ hàng cho biết các sản phẩm áo chống nắng giả mạo thường được bán ra thị trường với mức giá chỉ khoảng 50.000 đồng, rẻ hơn hàng chục lần so với sản phẩm hàng hiệu.

Thanh Vân