Hưng Yên vận hành Trạm khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp

(SHTT) - Mới đây, Hưng Yên đã tổ chức Hội nghị triển khai thiết lập, vận hành Trạm khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp (IPPlatform). Đây là điều kiện thuận lợi trong hoạt động nghiên cứu, tạo dựng, xác lập quyền, thương mại hóa, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ.

 IPPlatform được hiểu là nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp. Kết cấu của IP Platform: 2 nền tảng dữ liệu (Cục Sở hữu trí tuệ công bố; người dùng cập nhật) và dịch vụ (người yêu cầu dịch vụ; thông tin đầu vào; yêu cầu kết quả); 4 modul chức năng: Tra cứu thông tin; cập nhật thông tin; dịch vụ thông tin và Sàn giao dịch và 4 chức năng hỗ trợ: Giới thiệu và hướng dẫn; hỏi đáp; tin tức; công báo tháng.

Đến thời điểm hiện tại, Nền tảng IPPlatform được đánh giá cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức thiết lập các Trạm IPPlatform nhằm phát huy hiệu quả các tính năng của Nền tảng IPPlatform, hỗ trợ người dùng khai thác thông tin sở hữu công nghiệp (SHCN) phục vụ nghiên cứu, tạo dựng, bảo hộ, thương mại hóa tài sản trí tuệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT),... 

 

Mới đây, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã tổ chức khai trương Trạm IPPlatform tại Hưng Yên. Đây là Trạm IPPlatform đầu tiên tại tỉnh này cho phép người dùng tra cứu, cập nhật thông tin cũng như sử dụng các dịch vụ thông tin, hỗ trợ mua bán dịch vụ, đối tượng sở hữu công nghiệp và tài sản trí tuệ.

Ông Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ cho biết, Viện sẽ phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên thực hiện các hoạt động về sở hữu trí tuệ như tư vấn, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận, khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ thông qua việc phổ biến nền tảng IPPlatform; tư vấn các khía cạnh pháp lý, kỹ thuật, kinh tế của tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ.

Người dùng được hỗ trợ tra cứu, cung cấp thông tin về tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm: thông tin về tình trạng kỹ thuật; phạm vi khả năng bảo hộ, sử dụng; đào tạo, huấn luyện kỹ năng cho nhân lực; nghiên cứu khoa học; tư vấn xây dựng công cụ quản trị tài sản trí tuệ trên Nền tảng IPPlatform (Dashboard). Mặt khác, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; tiếp nhận và thực hiện yêu cầu tư vấn, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; các hoạt động trong khuôn khổ kế hoạch, chương trình, dự án do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên chủ trì quản lý, thực hiện...

Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên khẳng định, Trạm khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp đi vào hoạt động sẽ là điều kiện thuận lợi trong hoạt động nghiên cứu, tạo dựng, xác lập quyền, thương mại hóa, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.

Hiện nay Hưng Yên có 30 sản phẩm chủ lực đặc thù được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, có 1 chỉ dẫn địa lý "Hưng Yên" cho sản phẩm nhãn lồng; 12 nhãn hiệu chứng nhận (nghệ Chí Tân, chuối tiêu hồng Khoái Châu, mật ong hoa nhãn, nếp thơm, long nhãn, vải trứng Hưng Yên...); 17 nhãn hiệu tập thể (tương Bần, gà Đông Tảo, hương thôn Cao, dược liệu Nghĩa Trai, giò chả Trai Trang, quất cảnh Văn Giang...).

Vân Mai