Thú vị với mô hình biến rác thành phân bón hữu cơ ở Đà Lạt

Trong 7 năm qua, kể từ khi được công nhận là xã nông thôn mới, chính quyền và nhân dân xã Xuân Thọ, Đà Lạt chú trọng hoàn thiện 19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Trong đó, địa phương quan tâm nhất hiện nay là bảo vệ môi trường.

Xác định tiêu chí môi trường là mục tiêu gắn liền với xây dựng nông thôn mới nâng cao nên ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, hội nông dân xã đã chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân về công tác bảo vệ môi trường, tạo dựng cảnh quan nông thôn xanh-sạch-đẹp.

Trong năm vừa qua, từ nguồn vốn đầu tư của nhà nước, Hội nông dân xã đã tiến hành dự án lắp đặt thùng phân loại rác hữu cơ cho 48 hội gia đình trên địa bàn 6 thôn.

 Mô hình thí điểm “thùng phân loại rác hữu cơ” tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt

Ông Nguyễn Đức Bình - Chủ tịch HND xã Xuân Thọ cho biết: Sau khi được thành phố tập huấn, Hội nông dân xã đã đến từng hộ gia đình, tiến hành lắp đặt và hướng dẫn cụ thể quy trình sử dụng, cũng như mục đích ý nghĩa của dự án, để người dân hiểu và tiến hành thực hiện.

Sau 1 năm triển khai, bước đầu các hộ dân ở nhiều thôn cũng đã thấy được hiệu quả tích cực từ dự án lắp đặt thùng phân loại rác hữu cơ tại gia đình mình.

Ông Lê Trung Hiền – thôn Đa Lộc xã Xuân Thọ chia sẻ: "Khi rác hữu cơ được xử lý đúng cách, vừa bảo vệ môi trường, vừa giúp người dân tiết kiệm chi phí đi mua phân bón cây. Khi bỏ rác hữu cơ vào thùng, tôi sẽ kèm theo 100gr men ủ pha với nước theo hướng dẫn của Hội nông dân xã; sau 10 ngày, phân hữu cơ có thể đem ra bón cho cây trong vườn nhà . Hy vọng, mô hình của xã sẽ được nhân rộng ra toàn địa bàn khu dân cư trong thời gian tới."

 Các hộ gia đình được triển khai lắp đặt “thùng phân loại rác hữu cơ” tại nhà.

Được biết, sau thời gian dịch bệnh kéo dài, nhiều mặt hàng nông sản rau, củ, quả của Đà Lạt đã bị rớt giá do nông sản cùng loại có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập về ngày càng nhiều với giá cả cạnh tranh, sau đó mạo danh thương hiệu Đà Lạt rồi xuất đi tiêu thụ các tỉnh thành trong cả nước.

Do đó, để ổn định thị trường và tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng, người nông dân ở xã Xuân Thọ đã hợp tác sản xuất các loại rau, củ, quả đạt chuẩn VietGAP. Sau đó, đóng gói và dán tem truy xuất nguồn gốc. Sản xuất theo hướng hữu cơ là cơ hội để rau, củ, quả Đà Lạt nói chung và tại xã Xuân Thọ nói riêng, khẳng định được chất lượng của mình trên thị trường và mang lại niềm tin đối với người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường từ những mô hình hữu ích, trong đó có dự án “lắp đặt thùng phân loại rác hữu cơ” đầu tiên tại xã Xuân Thọ.

Minh Hà