Công nghệ AI nhận biết cảm xúc con người chịu làn sóng chỉ trích

(SHTT) - Kế hoạch phát triển công nghệ AI nhận biết cảm xúc con người trong lúc thực hiện cuộc gọi video của Zoom đang phải đối mặt với vô vàn chỉ trích đến từ các nhóm nhân quyền ngay trong giai đoạn đầu triển khai.

 Theo trang Protocol đưa tin, Zoom đã bắt đầu phát triển công nghệ AI mới có thể quét khuôn mặt và giọng nói của người dùng nhằm nhận biết cảm xúc của họ.

Mặc dù công nghệ này có vẻ vẫn còn đang trong giai đoạn đầu phát triển và triển khai, nhưng một số nhóm nhân quyền dự đoán rằng nó có thể được sử dụng cho các mục đích phân biệt đối xử hơn và thúc giục Zoom từ bỏ công nghệ này.

Hiện tại, Zoom đã có kế hoạch chi tiết cho việc sử dụng công nghệ AI trong giao thức bán hàng và đào tạo. Trong một bài đăng trên blog được chia sẻ vào tháng trước, Zoom đã giải thích cách hoạt động của khái niệm ‘Zoom IQ’ để giúp nhân viên bán hàng xác định cảm xúc của khách hàng trong lúc trò chuyện nhằm cải thiện cách thức quảng cáo của họ.

Trong bài đăng cũng lưu ý rằng Zoom IQ sẽ thực hiện theo dõi các chỉ số như độ tương tác giữa người nói - người nghe, tốc độ nói, độc thoại, sự kiên nhẫn, câu hỏi hấp dẫn, chỉ số cảm xúc…

 

Zoom cho biết dữ liệu mà họ thu thập là "cho mục đích thông tin và có thể xuất hiện những sai số".

“Kết quả không nhằm mục đích sử dụng cho các quyết định tuyển dụng hoặc các quyết định khác sử dụng thao tác so sánh. Tất cả các phạm vi được đề xuất cho các chỉ số đều dựa trên nghiên cứu công khai”, Zoom chia sẻ trên bài đăng.

Tuy nhiên, hôm 18/5, hơn 25 nhóm nhân quyền đã gửi một lá thư chung cho Giám đốc điều hành Zoom- Eric Yuan, yêu cầu công ty dừng nghiên cứu công nghệ trí tuệ nhân tạo để nhận biết cảm xúc con người. Đồng thời cảnh báo công nghệ này có thể gây ra hậu quả đáng tiếc, như vấn nạn phân biệt đối xử. 

Những nhóm nhân quyền tiêu biểu nhất trong hoạt động này bao gồm Tổ chức phi lợi nhuận Access Now, Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) và Liên minh Công lý Hồi giáo.

Tuần trước, Luật sư của Dự án ACLU Speech, Privacy, and Technology thuộc ACLU - Esha Bhandari đã có cuộc trò chuyện với Tổ chức từ thiện Thomson Reuters Foundation. Esha cho rằng cảm xúc do trí tuệ nhân tạo AI nắm bắt là "một khoa học tạp nham" và "công nghệ đáng sợ."

Ngoài ghi chú ban đầu của Zoom trong bài đăng vào tháng 4, công ty hiện vẫn chưa phản hồi lại lời phê bình trên.

Thuỳ Mai