Sáng chế đầu bếp robot mới cho phép thực khách ăn ngon mỗi ngày

(SHTT) - Các nhà khoa học đã chế tạo robot có gắn cảm biến độ mặn ở ngón tay để nếm thử món ăn. Đây là bước tiến quan trọng trong việc phát triển quá trình chuẩn bị thực phẩm tự động hoặc bán hàng tự động.

Dưới sự hợp tác với nhà sản xuất đồ gia dụng Beko, các nhà nghiên cứu từ Đại học Cambridge đã đào tạo “đầu bếp” robot đánh giá hương vị của món ăn ở các giai đoạn nhai khác nhau, dựa theo quá trình tương tự ở người.

Các đầu bếp robot được dạy cách phân tích hương vị và kết cấu món ăn. 

Sáng kiến này có thể ứng dụng trong việc phát triển quá trình chuẩn bị thực phẩm tự động hoặc bán hàng tự động, bằng phương pháp giúp robot đánh giá món ăn ngon hay không.

Mô hình robot, vốn được đào tạo để làm món trứng tráng theo khẩu vị con người, đã nếm thử chín biến thể của món trứng bác cà chua ở ba giai đoạn khác nhau trong quá trình nhai, và tạo ra “bản đồ mùi vị” của từng món.

Các nhà nghiên cứu phát hiện hoạt động này đã cải thiện đáng kể khả năng đánh giá độ mặn của món ăn, nhanh chóng và chính xác hơn so với các công nghệ nếm điện tử, chỉ kiểm tra một mẫu đồng nhất duy nhất. Kết quả đã được báo cáo trên tạp chí Frontiers in Robotics & AI.

Grzegorz Sochacki, đến từ Khoa Kỹ thuật của Đại học Cambridge, tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết: “Nếu sử dụng robot trong một số khâu nhất định của quá trình chuẩn bị thực phẩm thì điều quan trọng là chúng phải có khả năng “nếm” những gì chúng đang nấu.”

Tiến sĩ Arsen Abdulali, đồng tác giả của công trình này cho biết họ muốn tái tạo quá trình nhai và nếm của robot trở nên thực tế hơn. Điều này sẽ tạo ra thành quả tuyệt vời hơn.

Các nhà nghiên cứu đều là thành viên của Phòng thí nghiệm robot lấy cảm hứng từ sinh học tại Cambridge, nơi tập trung đào tạo robot thực hiện những nhiệm vụ tưởng chừng như không thể. Nấu ăn là một trong số đó. Theo một số cuộc thử nghiệm trước đó, “đầu bếp” robot đã tạo ra món trứng tráng đạt chuẩn dựa trên phản hồi từ người nếm thử.

Cánh tay robot trang bị một đầu dò độ dẫn (hoạt động như một cảm biến độ mặn)  

Để robot học tập quá trình nhai và nếm từ con người, các nhà nghiên cứu đã gắn vào cánh tay robot một đầu dò độ dẫn, hoạt động như cảm biến độ mặn. Họ chuẩn bị món trứng bác cà chua nhưng thay đổi số lượng cà chua và lượng muối trong mỗi món ăn.

Robot sử dụng đầu dò “nếm thử” từng món và trả lại kết quả chỉ sau vài giây.

Tiếp đó, để robot bắt chước sự thay đổi kết cấu khi nhai, nhóm nghiên cứu đã đổ hỗn hợp trứng vào máy xay sinh tố và cho robot thử lại. Kết quả là mỗi món ăn mang một “bản đồ hương vị” riêng.

Điều đó cho thấy sự cải thiện đáng kể trong khả năng đánh giá độ mặn của robot so với những phương pháp nếm điện tử khác.

Robot có thể chế biến món ăn mà con người thích và điều chỉnh hương vị theo sở thích của từng người.

Nhóm nghiên cứu mong muốn robot hiểu rõ khái niệm mùi vị để tạo ra các món ăn ngon hơn. Họ đang tìm kiếm phương pháp cải tiến “đầu bếp” robot, hướng đến mô hình robot nếm được nhiều loại thức ăn khác nhau, bao gồm cả đồ ăn ngọt hoặc nhiều dầu mỡ.

Thu Nga