Bình Dương: Người dân bức xúc vì làm công trình nước thải gây hỏng đường

Thời gian qua, nhiều người dân ở TP Thủ Dầu Một bức xúc vì sau khi thi công công trình xử lý nước thải, phía chủ đầu tư trả lại hiện trạng không đảm bảo, mặt đường gồ ghề, sụt lún…

Đường "nát như tương" sau khi làm công trình nước thải

Nhiều đường ống thoát nước, nắp cống lắp đặt không đảm bảo, nhô lên, sụt lún xuống gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Theo ghi nhận của PV Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, nhiều tuyến đường hẻm tại các phường Phú Lợi, phường Hiệp Thành, Phường Phú Mỹ (TP Thủ Dầu Một) sau khi thi công công trình xử lý nước thải, mặt đường trả lại xấu xí, xuống cấp.

Điển hình, những con đường tại hẻm 18, hẻm 26 và hẻm 116 Đoàn Thị Liên (phường Phú Lợi), có hệ thống xử lý nước thải đi qua có mặt đường chắp vá, gồ ghề, thậm chí sụt lún.

Nắp cống xử lý nước thải nhô lên khỏi mặt đường cùng với những thanh sắt, xung quanh đường chắp vá, bong tróc ở một con hẻm đường  Đoàn Thị Liên (phường Phú Lợi).

Có đoạn nắp cống nước thải và các thanh sắt đi kèm nhô lên cao hơn mặt đường gần 3cm, xung quanh mặt đường lởm chởm, bong tróc. Một đoạn khác mặt đường sụt lún khoảng gần 10cm, rạn nứt xung quanh.

Tại nhiều hẻm trên đường Huỳnh Văn Luỹ (phường Phú Lợi) cũng xuất hiện tình trạng tương tự, đường xuống cấp, hư hỏng sau khi công trình xử lý nước thải đi qua.

Bà Thuỷ (người dân hẻm 137 Huỳnh Văn Luỹ) cho biết, chủ đầu tư làm đường cống thoát nước và đường xử lý nước thải khiến tuyến đường không bằng phẳng, ống nước thải lồi lõm gây nguy hiểm cho người đi đường.

“Tôi không hiểu sao từ khi làm đường xử lý nước thải, đường thoát nước mưa thì tình trạng ngập nước lại càng nghiêm trọng, nước ngoài đường tràn trong hẻm. Gia đình tôi và những hộ xung quanh phải be bờ để ngăn nước tràn vào nhà. Còn mặt đường sau khi làm các công trình trên thì khỏi nói: Chắp vá, lồi lõm, sắt lởm chởm rất nguy hiểm”, bà Thuỷ bức xúc.

Người dân ở hẻm 137 Huỳnh Văn Luỹ bức xúc vì đường xử lý nước thải, đường thoát nước mưa không phát huy hiệu quả, làm hư hỏng đường.

Tại phường Hiệp Thành, phường Phú Mỹ, nhiều tuyến đường hẻm sau khi làm đường xử lý nước thải cũng xuất hiện tình trạng mặt đường chắp vá, bong tróc, sụt lún.

Tại hẻm 119 Trương Định (phường Hiệp Thành), mặt đường sau khi làm đường xử lý nước thải cao hơn trước, tạo ra những lằn ranh ngoằn nghèo, cao thấp. Một số đoạn xuất hiện sạt lở, sụt lún.

“Từ khi con đường này làm lại, đường xử lý nước thải được hình thành thì nhà tôi thường xuyên bị nước ngập vào nhà. Tôi phải dùng tấm bạt che xung quanh mỗi khi mưa xuống”, người phụ nữ ở hẻm 119 Trương Định ngao ngán.

 Một con đường bị "băm nát" sau khi công trình nước thải đi qua.

Ngoài ra, nhiều tuyến hẻm trên đường Lê Hồng Phong (phường Phú Lợi), Huỳnh Văn Luỹ (phường Hiệp Thành và phường Phú Mỹ) cũng xuất hiện tình trạng tương tự khiến nhiều người dân ngán ngẩm.

Sửa lại các con đường xuống cấp, hư hỏng

Được biết công trình xử lý nước thải do Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng. Đơn vị này được UBND tỉnh Bình Dương giao trách nhiệm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cấp thoát nước và môi trường cho toàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc nhiều tuyến đường sau khi thi công đường xử lý nước thải xong trả lại hiện trạng không đảm bảo, mất an toàn giao thông khiến người dân bức xúc, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của tỉnh Bình Dương.

Về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, ông Lâm Minh Kì - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải tỉnh Bình Dương cho biết, Ban đã chỉ đạo cho các nhà máy xử lý nước thải đi kiểm tra, sửa chữa những con đường làm công trình xử lý nước thải bị xuống cấp, hư hỏng theo công văn yêu cầu của Sở Giao thông tỉnh.

Nắp cống xử lý nước thải nổi lên khỏi mặt đường rất nguy hiểm. 

“Đối với những tuyến đường có công trình xử lý nước thải đi qua đang trong thời gian bảo hành, Ban đã tư vấn cho các nhà thầu đi kiểm tra lại, chỗ nào hư hỏng đơn vị này sẽ sửa chữa lại. Với công trình này thời gian bảo hành 12 tháng”, ông Kì thông tin.

Về việc người dân cho rằng sau khi thực hiện công trình xử lý nước thải, phía chủ đầu tư hoàn trả mặt đường không đảm bảo chất lượng, ông Kì cho rằng trong quá trình nghiệm thu công trình có sự kiểm tra chặt chẽ của Sở Giao thông Vận tải. Sau khi đảm bảo chất lượng thì công trình này mới được đi vào vận hành.

 Một số đoạn đường có dấu hiệu sụt lún tại đường nước thải đi qua.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải tỉnh Bình Dương cho biết với trách nhiệm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cấp thoát nước và môi trường cho toàn tỉnh, Ban sẽ từng bước hoàn thiện, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, mĩ quan đô thị.

Một số hình ảnh đường chắp vá lồi lõm, xuống cấp sau khi công trình đường nước thải đi qua PV Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo ghi nhận được:

Một con hẻm tại đường Đoàn Thị Liên xuống cấp, sạt lở ngay chỗ đường xử lý nước thải đi qua.
 Nắp cống xử lý nước thải không đảm bảo, miệng cống lớn hơn nắp gây lõm sâu.
 Một tuyến đường chắp vá, nhiều nắp cống xử lý nước thải nhô lên khỏi mặt đường không đảm bảo an toàn.
 
 
 
 Một phần đường sau khi đường xử lý nước thải đi qua trả lại mặt đường không đảm bảo, mặt đường xấu xí.
Một phần đường không được lấp đầy
 Đoạn đường trải nhựa sau khi làm đường nước thải lại được chắp vá bằng đường bằng bê tông.
Những lằn ranh lồi lõm khi công trình nước thải đi qua. 
 Đường bị "tàn phá", cắt xẻ.
 
 
Người dân nghi vấn về chất lượng, kết cấu mặt đường liệu có đảm bảo?

Trước đó, hệ thống xử lý nước thải ở tỉnh Bình Dương do Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước – Môi trường Bình Dương – BIWASE (nay là Công ty cổ phần Nước -  Môi trường Bình Dương) đảm nhiệm đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện cổ phần hoá Biwase, ngày 13/2/2019, UBND tỉnh đã hợp nhất các ban hiện hữu thành lập Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải tỉnh Bình Dương để Ban này chuyên thực hiện các công trình xử lý nước thải.

Quang Hải