Vì sao trái cây Việt "thua" ngay trên sân nhà?

(SHTT) - Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 8 tháng đầu năm 2017 là thị trường Thái Lan (chiếm tới 60,7% thị phần), tiếp đến là thị trường Trung Quốc (chiếm 15,7%).

Nhập khẩu rau quả tăng nhanh: Thái Lan chiếm 60% thị phần 

Theo nội dung trong báo cáo của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 9/2017 ước đạt 294 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu hàng rau quả 9 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,64 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017, chiếm 85,2% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả. Trong 8 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Nhật Bản (64,6%), Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (64,4%), Trung Quốc (60,2%), Nga (41,9%), Hoa Kỳ (26,6%), Đài Loan (16,1%) và Hà Lan (9,4%).

Trong khi đó, nhập khẩu mặt hàng quả đạt 914 triệu USD, tăng gần 2 lần, còn mặt hàng rau ước đạt 218 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ 2016.

Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 8 tháng đầu năm 2017 là thị trường Thái Lan (chiếm tới 60,7% thị phần), tiếp đến là thị trường Trung Quốc (chiếm 15,7%).

Kết quả này cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2017 giá trị nhập khẩu rau quả ở tất cả các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Thái Lan (gấp hơn 2,8 lần), tiếp đến là thị trường Ấn Độ (gấp hơn 2,2 lần) và thị trường Hàn Quốc (tăng 70,8%).

Việt Nam nhập khẩu rau quả nhiều nhất từ nước nào?, vì sao trái cây Việt "thua" ngay trên sân nhà? 

Trái cây Việt "thất thế" trên sân nhà 

Rõ ràng có thể nhận thấy, đây chính là nghịch lý vì trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu vất vả trong khi phải tìm đơn hàng để đưa trái cây Việt ra thị trường thế giới, thì một lượng lớn ngoại tệ lại được dùng để chi cho các doanh nghiệp nước ngoài để nhập rau quả.

Nguyên nhân khiến trái cây ngoại được ưa chuộng trên thị trường Việt được các chuyên gia nông nghiệp lý giải do người tiêu dùng còn e ngại về chất lượng trái cây trong nước. Cùng với đó, công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu còn nhiều hạn chế khiến cho trái cây Việt chưa có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Bên cạnh đó, mẫu mã của các loại trái cây ngoại thường bắt mắt hơn, nên thường được người tiêu dùng lựa chon vào nhiều dịp lễ, Tết.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc khai thác rộng rãi thị trường quốc tế, các doanh nghiệp cần phải quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa. Với dân số 90 triệu dân, nếu biết khai thác một các hiệu quả thì đây cũng là nguồn thu  không nhỏ.

Thúy Quỳnh