Tổng cục QLTT và Cục ATTP 'bắt tay' ngăn chặn thực phẩm 'bẩn' dịp Tết Nguyên Đán

(SHTT) - Sau thời gian triển khai đợt cao điểm kiểm tra hàng hóa Tết Nguyên đán Nhâm Dần, lực lượng chức năng tại Hà Nội và các địa phương đã phát hiện nhiều vụ thực phẩm bẩn, thực phẩm giả tràn về thành phố…

Gần 2 tuần nữa là năm 2021 khép lại, bước sang năm 2022, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhu cầu mua hàng hóa, nhất là nông sản, thực phẩm tươi sống của người dân rất lớn. Song đây cũng là thời điểm một số đối tượng xấu lợi dụng tung ra thị trường thực phẩm bẩn để bán kiếm lời, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Để ngăn chặn vấn nạn này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Thực tế cho thấy, vì muốn làm giàu nhanh, bất chính, kiếm tiền bằng mọi giá, một số đối tượng xấu đã bán rẻ lương tâm, cố ý "phù phép" biến thực phẩm bẩn thành sạch bán cho người tiêu dùng, nhẫn tâm đầu độc đồng loại bằng các phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Đơn cử, việc bơm chích tạp chất vào tôm, được thực hiện có tổ chức như làm hàng rào, bố trí người canh gác, thậm chí có nơi còn trang bị máy thay vì làm thủ công như trước đây. Thực trạng nêu trên chứng tỏ việc giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm còn nhiều mối lo. Nguyên nhân là do việc quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) của cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn bất cập, các chế tài, quy định chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, ý thức chấp hành của người dân chưa cao. Họ chưa có đầy đủ thông tin để phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn và không an toàn. Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, liên kết với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở nhiều địa phương còn chậm dẫn đến sản lượng, quy mô liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn còn hạn chế.

 Tổng cục QLTT và Cục ATTP chung tay ngăn chặn thực phẩm 'bẩn' dịp Tết Nguyên Đán 

Theo ông Trần Hữu Linh, thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý với các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm, cận Tết như bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, đường, sữa, giò chả, các loại gia vị, chất phụ gia, thực phẩm chế biến. Quá trình kiểm tra sẽ đặc biệt chú ý tới những trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa “3 không” (không nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng), hàng hóa kinh doanh trên môi trường mạng.

Về phía ngành y tế, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, các địa phương cần thành lập các đoàn kiểm tra ở cả 3 cấp triển khai công tác thanh, kiểm tra các mặt hàng, nhóm sản phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội; đẩy mạnh công tác kiểm tra tại các làng nghề, các cơ sở sản xuất, điểm giết mổ gia súc, gia cầm.

Từ đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Trong quá trình thanh, kiểm tra, lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân và chủ cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Hà Châu