Trưởng công an TP Thái Bình bị tạt vôi bột vào người và một câu chuyện khác về sự phản ứng của người dân

(SHTT) - Có mặt tại hiện trường khu vực đảm bảo thi công, cưỡng chế phá dỡ nhà của ông Đặng Văn Đạt vào sáng ngày 02/8/2017 do UBND thành phố Thái Bình tổ chức, phóng viên liên tục bị các đối tượng nam, nữ thanh niên mặc quần áo dân sự áp sát, ngăn cản việc ghi hình khi biết phóng viên xuất hiện.

Nhà ông Đặng Văn Đạt (con trai ông Đặng Văn Qúy) vốn thuộc diện nằm trong Dự án đường vành đai phía Nam TP Thái Bình tại địa phận Thôn Trần Phú, xã Vũ Đông (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình). 

Theo một số người dân có mặt tại hiện trường cho biết, tại thời điểm đoàn kiểm tra gồm lực lượng công an, thanh tra giao thông, xe cứu thương, cảnh sát cơ động, xe cứu hỏa và đông đảo cán bộ địa phương tập trung tại khu vực công trường đoạn sát căn nhà tạm còn lại của ông Đặng Văn Đạt, gia đình ông Đạt đang làm cỗ để cúng giỗ con trai. Khi một số người tiếp cận hàng rào tạm bằng lưới B40 xung quanh cửa nhà ông Đạt, những người trong nhà đã hất vôi bột để ngăn cản việc tháo dỡ hàng rào và tháo dỡ căn nhà.

 Căn nhà tạm trước khi bị phá dỡ

Vì sao gia đình ông Đặng Văn Đạt phản ứng và ngăn cản việc phá dỡ căn nhà nằm trong dự án?

Từ những tài liệu phóng viên thu thập được và tại các buổi làm việc với cơ quan ban ngành của UBND thành phố Thái Bình, nguyên nhân khiến gia đình ông Đạt phản ứng và ngăn cản việc phá dỡ nhà là bởi ông Đạt không được đền bù khi UBND thành phố Thái Bình thu hồi đất tại thôn Trần Phú, xã Vũ Đông (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) để làm đường vành đai phía Nam TP Thái Bình.

Trước đây, xã Vũ Đông thuộc huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình và sau khi mở rộng thành phố, xã Vũ Đông đã thuộc địa phận của TP Thái Bình. Vào những năm 1995 – 1997, hàng loạt cán bộ xã Vũ Đông đã bị khởi tố và bị phạt tù vì bán đất trái thẩm quyền… Rất nhiều người dân mua đất do UBND xã Vũ Đông trước đây đã bán có hóa đơn thu tiền của UBND xã cấp. Trong đó có ông Đặng Văn Quý (bố đẻ của ông Đạt). Người đàn ông này đã mua 01 mảnh đất (trước là ao của HTX) vào thời điểm năm 1993. Sau đó, theo phiếu thu ngày 10/5/1995, ông Đặng Văn Đạt (con ông Quý) đã nộp tiền mua 01 suất đất ao để sử dụng làm nhà ở.

Thực tế sử dụng đất từ năm 1995 đến nay đã thể hiện rất rõ việc hộ nhà ông Đặng Văn Đạt sử dụng, xây dựng nhà riêng biệt trên diện tích đất đã mua là 360m2 và hộ nhà ông Đặng Văn Quý sử dụng là 360m2. Tuy nhiên, khi đền bù, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP.Thái Bình (TTPTQĐ) đã đền bù cho hộ gia đình ông Đặng Văn Quý với diện tích đền bù là 720m2 trong đó có 360m2 theo giá đất thổ cư, 360m2 còn lại theo giá đất nông nghiệp (giá đền bù đất thổ cư so với đất nông nghiệp là rất chênh lệch và đất thổ cư khi bị thu hồi sẽ được đền bù bằng đất tái định cư). Hộ gia đình ông Đặng Văn Đạt không được nhận đất và tiền đền bù vì theo lý giải của (TTPTQĐ) thì hộ gia đình ông Đăng Văn Quý đã nhận đủ tiền đền bù 720m2 (gồm 360m2 đất thổ cư và 360m 2 đất nông nghiệp) và vì ông Đạt là con trai ông Quý!

 Người nhà ông Đạt cầm ảnh của con đứng trước máy thi công

Cán bộ (TTPTQĐ) thừa nhận hồ sơ về nguồn gốc đất tại xã Vũ Đông huyện Kiến Xương khi bàn giao về UBND TP Thái Bình là rất thiếu và không rõ ràng dẫn tới việc tính diện tích đất đền bù cho các hộ dân là rất khó khăn. Thậm chí, ông Nguyễn Văn Đức, Trường Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) cũng thừa nhận mặc dù Giấy CNQSDĐ mang tên ông Đặng Văn Quý được cấp ngày 05/12/1995 (Số vào sổ cấp GCNQSDĐ: V0360QSDĐ/VĐ) đã bị chỉnh sửa diện tích nhưng không còn hồ sơ để đối chiếu.

Bên cạnh đó, Giám đốc TTPTQĐ cũng khẳng định do Phòng TNMT bàn giao thiếu hồ sơ về nguồn gốc đất tại xã Vũ Đông nên sẵn sàng tính lại phương án đền bù cho gia đình ông Quý, ông Đạt khi xác minh được rõ ràng diện tích đất trên Giấy CNQSDĐ mang tên ông Đặng Văn Quý. Tuy nhiên, phóng viên đã liên hệ với Sở TNMT tỉnh Thái Bình để làm rõ nguồn gốc đất theo Giấy CNQSDĐ mang tên ông Quý thì Văn phòng ĐKQSDĐ đã hẹn vào buổi làm việc khác.

Người nhà của ông Đạt được lực lượng chức năng đưa lên xe cấp cứu 

Cần thiết bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân

Việc đảm bảo tiến độ thi công của Dự án cấp tỉnh là rất cần thiết tuy nhiên các cơ quan chức năng của UBND TP Thái Bình cũng cần phải đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân. TPPTQĐ thành phố Thái Bình phải thừa nhận rất khó khăn trong việc làm rõ nguồn gốc đất của hộ gia đình ông Quý và hộ gia đình ông Đạt, thậm chí còn “cậy nhờ” phóng viên báo SHTT điện tử xác minh giúp về nguồn gốc đất, về nguồn gốc của Giấy CNQSDĐ mang tên ông Đặng Văn Quý.

Minh bạch và đầy đủ thông tin trong đền bù giải phóng mặt bằng của bất kỳ dự án nào cũng sẽ đem lại công bằng và niềm tin của người dân. SHTT điện tử sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng, các bên liên quan để làm rõ hơn và thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.

Nhóm PV