TP.HCM đã có kịch bản ứng phó biến chủng Omicron

Ngày 8-12, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết ngành y tế liên tục theo dõi sát biến chủng Omicron và đã có kịch bản ứng phó.

Tại kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM khóa X, trả lời chất vấn của các đại biểu, giám đốc Sở Y tế TP.HCM cảnh báo dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới, ca chuyển nặng, ca tử vong có xu hướng tăng trở lại từ ngày 20-10. Ngành y tế cũng liên tục theo dõi sát biến chủng Omicron. Tuy nhiên đến nay, gần như chưa thấy tín hiệu người mắc biến chủng này sẽ diễn tiến xấu hơn.

Hiện ngành y tế đang tiến hành giám sát chặt người nhập cảnh vào TP, làm xét nghiệm nếu có kết quả dương tính sẽ giải trình tự gene ngay. TP chưa phát hiện biến chủng mới.

Ông Thượng cho rằng đây là tín hiệu "tạm đỡ lo" nhưng vẫn không chủ quan. Lãnh đạo ngành y tế đánh giá việc chủng mới xâm nhập vào TP là vấn đề thời gian, nên phải có phương án ứng phó.

Hiện nay, ngành y tế đã dành riêng Bệnh viện dã chiến số 12 để thu dung, điều trị cho bệnh nhân nhiễm chủng mới.

Bệnh viện dã chiến số 12 ở quận 2 cũ (khối chung cư lô R5, khu tái định cư 38,4 ha, phường An Khánh, TP Thủ Đức), đang để trống, dự phòng cho tình huống thành phố xuất hiện các ca nhiễm biến chủng Omicron.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết ngành y tế liên tục theo dõi sát biến chủng Omicron và đã có kịch bản ứng phó.

Các khu nhà biệt lập trong bệnh viện khá thuận tiện để phân loại, sàng lọc từng nhóm đối tượng, như người nghi ngờ mắc bệnh và người dương tính, nhằm có biện pháp xử trí kịp thời, từ đó khống chế biến chủng Omicron lây lan ra các bệnh viện, khu vực khác trong thành phố. Các y bác sĩ sẽ được điều động đến đây tùy theo tình hình F0 nhiễm biến chủng mới ra tăng cụ thể như thế nào.

Hiện TP.HCM chưa ghi nhận ca nhiễm biến chủng Covid-19 mới Omicron, song biến chủng này có tỷ lệ lây lan gấp 5 lần so với các biến chủng khác; Singapore và Thái Lan đã phát hiện Omicron, nên HCDC đã tham mưu cho Sở Y tế lên kịch bản đối phó.

Cụ thể, giải pháp đầu tiên là siết chặt các đường biên giới, sân bay, cảng biển, ngăn chặn Omicron xâm nhập. Người nhập cảnh chính thức vào thành phố từ sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Sài Gòn, nếu đã tiêm đủ hai mũi vaccine, và âm tính với Covid-19 sẽ phải cách ly đủ 14 ngày (gồm 7 ngày cách ly tập trung, 7 ngày cách ly tại nhà). Họ chỉ được giải phóng cách ly khi xét nghiệm tiếp tục âm tính. Người nhập cảnh qua cảng Sài Gòn nếu không lên bờ sẽ phải cách ly tuyệt đối tại tàu cho đến khi tàu rời đi.

Người nhập cảnh được lấy mẫu xét nghiệm ngay từ ngày đầu tiên cách ly tập trung. Những mẫu này nếu dương tính sẽ được giải trình tự gene virus để xem họ có nhiễm biến chủng Omicron.

Người từ Campuchia nhập cảnh qua đường bộ Tây Ninh, Long An hoặc từ biên giới phía Bắc nhập cảnh trái phép vào TP.HCM, sẽ được y tế và công an rà soát, giám sát, theo dõi và đưa đi cách ly tập trung tuyệt đối; giải trình tự gene virus.

Để kiểm soát dịch nội địa, ngành y tế triển khai tiêm mũi vaccine thứ ba cho hai nhóm, gồm tiêm bổ sung cho người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền vào ngày thứ 28 sau mũi tiêm thứ hai; tiêm nhắc lại sau 6 tháng cho người đã tiêm đủ hai mũi.

Ngoài ra, TP tăng cường lực lượng cho các trạm y tế lưu động, trạm y tế cố định, trung tâm y tế để sẵn sàng ứng phó với tình hình F0 tăng nhanh do chủng cũ Delta hoặc chủng mới. Hiện, ngoài 310 trạm y tế cố định, TP.HCM đã lập thêm 382 trạm y tế lưu động, trong đó 168 trạm quân y phụ trách, 214 trạm do thành phố phụ trách.

Hiện TP còn 13 bệnh viện dã chiến. Sở Y tế sẽ tái cấu trúc các bệnh viện đủ điều kiện thành dã chiến 3 tầng, đáp ứng nhu cầu điều trị cho cả ba nhóm bệnh nhân nhẹ, trung bình và nặng trong mọi tình huống. Sở đã có văn bản hướng dẫn các bệnh viện chuẩn bị trước về phân bổ nhân sự, hậu cần để đáp ứng tình huống dịch theo kịch bản.

Phương Anh (t/h)