Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu

(SHTT) - Chiều ngày 27/11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc cùng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trong khuôn khổ cuộc trao đổi, Thủ tướng khẳng đinh, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho khoa học công nghệ là đầu tư cho phát triển.

Chiều ngày 27/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về tình hình hoạt động, triển khai chức năng, nhiệm vụ trong thời gian vừa qua của Viện, những định hướng lớn trong thời gian tới.Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; GS, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

 

Tại cuộc làm việc, theo yêu cầu của Thủ tướng, các đại biểu đã phát biểu ý kiến, nêu các khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và các đề xuất, kiến nghị, tập trung vào các vấn đề liên quan tới chủ trương phát triển khoa học công nghệ nói chung và hoạt động của Viện nói riêng; thể chế, cơ chế, chính sách, tổ chức, bộ máy, hoạt động, tài chính của Viện; quan hệ công tác của Viện với các cơ quan khác.

Sau khi lắng nghe báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng Nhà nước xác định khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho khoa học công nghệ là đầu tư cho phát triển. Thủ tướng yêu cầu cần bám sát, nắm chắc Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết của Đảng để cụ thể hóa và triển khai quan điểm này.

Về thể chế, Thủ tướng yêu cầu Viện và các cơ quan liên quan phối hợp rà soát những nội dung vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng.

Về cơ chế, chính sách, Thủ tướng nêu rõ, ngoài cơ chế, chính sách chung, cần tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho Viện, trong đó có cơ chế, chính sách về tổ chức, bộ máy, biên chế, tài chính, nguồn lực. Các vấn đề, vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, nếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ sẽ giải quyết ngay, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý.

Tinh thần chung là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Viện, càng nhiều các nhà nghiên cứu có chất lượng cao càng tốt; việc đầu tư nguồn lực phải xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ, đồng thời đẩy mạnh hợp tác công - tư, với các cơ chế đặc thù theo hướng quản lý rủi ro, đầu tư mạo hiểm để có sản phẩm đột phá.

 

Thủ tướng yêu cầu Viện và các bộ ngành phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong quản lý nhà nước, xây dựng chính sách và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Thủ tướng lưu ý, hoạt động nghiên cứu phải gắn với ứng dụng và phát triển công nghệ, gắn với sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp và các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội… Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực như nghiên cứu cơ bản, công nghệ lõi, vật liệu mới, năng lượng mới trong bối cảnh cạn kiệt tài nguyên, phục vụ tăng trưởng xanh, phát triển xanh, ứng phó biến đổi khí hậu tại các vùng miền, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, miền núi phía Bắc; chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…, huy động hiệu quả các nguồn lực quốc tế trong các lĩnh vực đang được thế giới rất quan tâm này. Đồng thời, tập trung nghiên cứu khoa học công nghệ biển là nhiệm vụ rất quan trọng.

Cùng với đó, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…

Thủ tướng cũng chỉ đạo hướng giải quyết các kiến nghị cụ thể được nêu tại cuộc làm việc và giao các cơ quan phối hợp xử lý dứt điểm.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù xứng tầm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ của quốc gia. Ngược lại, khi có cơ chế, chính sách, nguồn lực thì hoạt động của Viện phải đáp ứng được những yêu cầu, góp phần giải quyết được những vấn đề lớn của đất nước, bằng những sản phẩm khoa học công nghệ mang tính đột phá.

Linh An