Cần có sự hợp tác giữa nhà nước – tư nhân – chính phủ trong chống hàng giả, hàng nhái

(SHTT ) - Tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái vẫn đang là mối đe dọa ngày càng tăng, do đó cần sự hoàn thiện của các quy định pháp lý và chung tay của các bộ ngành...

 Thống kê từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, trong 9 tháng của năm 2021, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 100.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 7.500 tỷ đồng, khởi tố 1.615 vụ việc với 2.148 đối tượng. Đáng nói, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường không chỉ gây ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, doanh thu của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính…

Trước thực trạng trên, bà Đỗ Thị Minh Thủy, đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết để chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, câu chuyện đầu tiên cần nói đến là vấn đề pháp lý. Hoàn thiện các quy định về mặt pháp lý là việc tiên quyết hàng đầu. Chúng ta cần rà soát, chỉnh sửa, thay đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

 Cần có sự hợp tác giữa nhà nước – tư nhân – chính phủ trong chống hàng giả, hàng nhái

 “Một trong những vấn đề quan trọng là các quy định về xuất xứ hàng hóa (Made in Vietnam). Trong thời gian qua chúng ta vẫn còn lúng túng, chưa đưa ra được hướng dẫn chi tiết thế nào là hàng hóa Made in Vietnam, nên một số vụ việc chưa xử lý được triệt để”, bà Thuỷ nêu thực tế.

Riêng về phối hợp giữa các ban ngành trong công tác đấu tranh chống hàng giả, thời gian qua, các cơ quan thực hiện khá tốt nhưng cần phát huy trong thời gian tới.

Doanh nghiệp cần biết tới các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của mình: tự bảo vệ bằng các biện pháp công nghệ; khởi kiện dân sự những vụ việc qua đó yêu cầu bồi thường thiệt hại; phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, hải quan, thanh tra chuyên ngành…

Bản thân các doanh nghiệp cho biết đã có một số biện pháp chủ động để chống hàng giả, hàng lậu như đầu tư thay đổi chữ in tạo sự khác biệt giữa sản phẩm thật và giả; xây dựng các ký tự mã hóa để thuận tiện cho việc kiểm soát, phát hiện sản phẩm giả hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường công tác khảo sát thị trường nhằm phát hiện, ngăn ngừa sản phẩm giả thâm nhập hệ thống phân phối; đồng thời liên hệ với quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế để thông tin kịp thời về các sản phẩm giả trên thị trường nhằm tìm kiếm hỗ trợ về mặt pháp lý, xử lý hàng giả.

Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam ông Nguyễn Đăng Sinh cũng nêu ý kiến, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng với doanh nghiệp cũng cần được cải thiện theo hướng thực chất hơn, tránh để doanh nghiệp mất niềm tin, ngại tiếp xúc.

“Doanh nghiệp tự ý thức thay đổi công nghệ để đối tượng làm giả khó khăn hơn song bản thân các đối tượng làm giả cũng nắm bắt công nghệ rất nhanh. Luật và chế tài xử lý còn nhẹ, chưa có tính răn đe nên các đối tượng sản xuất hàng giả bám theo đó để lách luật. Do đó nên xây dựng văn bản với các chế tài đủ mạnh, quy định cụ thể để xác định được mức độ xâm phạm quyền chủ thể”, ông Vinh đề nghị.

Minh Châu