Bỏ khái niệm 'sữa tiệt trùng', sữa hoàn nguyên là sữa gì?

(SHTT) - Trong khi đó, theo thống kê năm 2014 của Tổng cục Thống kê, có tới hơn 70% số lượng sữa nước trên thị trường ở VN là sữa hoàn nguyên, phần còn lại là sữa tươi từ các vùng nguyên liệu của các công ty trong nước.

Theo đó, tại cuộc họp về sửa đổi Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia sữa dạng lỏng do Bộ Y tế tổ chức, khái niệm sữa tiệt trùng được các doanh nghiệp (DN) và hiệp hội thống nhất bãi bỏ, thay thế bằng khái niệm sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp.

Hiện nay, việc phân loại sữa dạng lỏng được áp dụng theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng do Bộ Y tế ban hành năm 2010, với 7 loại: sữa tươi nguyên chất thanh trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa tiệt trùng, sữa cô đặc và sữa cô đặc có bổ sung chất béo thực vật. Trong số này, khái niệm sữa tiệt trùng vẫn được nhiều người hiểu nhầm là sữa tươi.

Theo như ý kiến của các chuyên gia, thị trường sữa tươi của VN khá đặc thù. Hiện có 3 loại sữa nước đang được nhiều người tiêu dùng hiểu là “sữa tươi” nhưng được chế biến theo 3 cách, với nguyên liệu rất khác nhau. Sữa tươi 100%, sữa tươi pha với sữa bột và sữa bột pha hoàn toàn. Với loại thứ hai và thứ ba, các nước trên thế giới vẫn gọi là sữa bột hoàn nguyên.

Trong khi đó, theo thống kê năm 2014 của Tổng cục Thống kê, có tới hơn 70% số lượng sữa nước trên thị trường ở VN là sữa hoàn nguyên, phần còn lại là sữa tươi từ các vùng nguyên liệu của các công ty trong nước.

Bỏ khái niệm 'sữa tiệt trùng', sữa hoàn nguyên là sữa gì ?. Ảnh minh họa

Khái niệm “sữa tiệt trùng” dùng để chỉ các loại sữa dạng lỏng làm từ sữa bột khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với sữa tươi, do thiếu nguyên liệu, nhiều DN nhập khẩu sữa bột về để pha thành sữa nước, còn gọi là sữa hoàn nguyên và đánh tráo khái niệm, bán nhập nhèm dưới dạng sữa tươi. Như vậy, giá sẽ rẻ hơn, sản xuất nhanh hơn và DN được lợi hơn. Từ đó ảnh hưởng đến quyền được minh bạch thông tin, thiếu cơ sở lựa chọn đúng sản phẩm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nuôi bò, sản xuất sữa chịu sự bất bình đẳng trong kinh doanh, tốn chi phí quảng bá không cần thiết để khẳng định "sữa tươi" khác "sữa tiệt trùng". Ngành chăn nuôi bò sữa trong nước cũng vì thế cũng bị tác động tiêu cực.

Trước thực trạng này, tại hội thảo về sửa đổi Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia sữa dạng lỏng diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng chủ trương sửa đổi tên sản phẩm sữa là đúng bản chất nguyên liệu, đúng theo tinh thần khoa học, thông lệ quốc tế.

Sau khi thống nhất các ý kiến, Bộ Y tế sẽ ban hành quy chuẩn mới này. Các DN sản xuất và kinh doanh sữa cũng có thời gian nhất định để chuẩn bị cho việc chuyển đổi..

PV (t/h)