Hệ sinh thái tài chính số đang phát triển ở Việt Nam

(SHTT) - Hệ sinh thái tài chính số đang phát triển ở Việt Nam trong giai đoạn đầu với sự “bùng nổ” của phân khúc dịch vụ thanh toán số, các mảng dịch vụ khác vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.

Tài chính số tại Việt Nam, cũng giống như các nước trên thế giới, do 3 làn sóng công nghệ chính góp phần hình thành nên hệ sinh thái. Đó là: Thanh toán kỹ thuật số; tài sản mã hóa; trí tuệ nhân tạo. Trong đó, các công nghệ thanh toán số tác động mạnh mẽ nhất và đang phát triển nhanh, còn tài sản mã hóa và trí tuệ nhân tạo, thì mới bước đầu tạo ra những thay đổi nhỏ trong hệ thống tài chính.

Thanh toán số là mảng dịch vụ phát triển nhanh nhất, với loại hình ví điện tử chiếm tới 90% thị phần trung gian thanh toán cả về số lượng và giá trị giao dịch. Tính đến hết tháng 4/2021, Việt Nam có 43 công ty không phải là các tổ chức phi ngân hàng được cấp phép tham gia vào hoạt động thanh toán, cung cấp cho khách hàng và các nhà bán lẻ các dịch vụ thanh toán trực tuyến hoặc các giải pháp thanh toán kỹ thuật số như: MoMo, Grappay by Moca, Airpay, VinID pay, Zalo pay, VNpay QR... Đây là những công ty có mức tăng trưởng ấn tượng về dịch vụ TTĐT hiện nay.

 Hệ sinh thái tài chính số đang phát triển ở Việt Nam

Về dịch vụ tài chính số, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, thời gian qua Fintech phát triển mạnh thể hiện ở việc thu hút kêu gọi vốn đầu tư. Dự báo trong năm tới sẽ khoảng 310 tỷ USD trên toàn cầu. Mức độ tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội thì xu hướng chuyển đổi số được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, ông Lực cũng cho rằng dịch vụ tài chính qua mobile cũng phát triển nhanh từ năm 2015 trở lại đây. Tại Việt Nam Chính phủ đã cho phép thí điểm hoạt động này từ tháng 3/2021 tuy nhiên thực tiễn triển khai vẫn đang ở giai đoạn chuẩn bị.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile money) là cơ sở pháp lý quan trọng của hoạt động thanh toán và tiền kỹ thuật số, tạo tiền đề của sự gia nhập các công ty lớn về viễn thông trong việc cung ứng dịch vụ này.

Hoạt động cho vay ngang hàng và không gian blockchain là hai phân khúc có mức tăng trưởng mạnh nhất. Hai dịch vụ này có số lượng công ty tăng từ 5 công ty vào năm 2017 lên hơn 15 công ty trong năm 2020. Một số công ty cung cấp dịch vụ cho vay như: Tima, Vay mượn, Interloan, Finrei, Money bank, Cashwagon…

Nhận định về vấn đề này, ông Lực cho rằng: "Việt Nam được liệt kê vào top 10 thị trường có sức thu hút các nhà đầu tư tham gia rót vốn vào tiền kỹ thuật số trong thời gian qua. Ở Việt Nam đã hình thành mô hình ngân hàng mở, ngân hàng sử dụng những nền tảng của những đối tác khác bên ngoài, tiêu biểu như tại Citibank. Cùng với đó, cho vay ngang hàng toàn cầu có xu hướng phát triển nhanh, tăng gần 30%/năm trong thời gian tới".

Cũng theo ông, xu hướng dịch vụ tài chính số ở Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. Cụ thể, các định chế tài chính đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số (cả kênh bán hàng và quy trình nội bộ); Hình thành các hệ sinh thái tài chính với các ngân hàng thương mại lớn/Bigtech giữ vai trò điều phối); Dữ liệu khách hàng được sử dụng để tạo ra những sản phẩm thiết kế riêng; Các fintech, bigtech sẽ có ảnh hưởng lớn hơn tới thị trường tài chính, có thể thông qua việc cạnh tranh hoặc hợp tác với các định chế tài chính truyền thống; các mô hình kinh doanh mới xuất hiện nhiều hơn.

Minh Vân