Việt Nam đang thiếu hụt chuyên gia về trí tuệ nhân tạo

(SHTT) - Ngành đào tạo về trí tuệ nhân tạo AI ở Việt Nam còn non trẻ, đặc biệt là sự thiếu hụt chuyên gia – giảng viên đào tạo về công nghệ này từ đó hình thành những hạn chế nhất định cho sự phát triển nhân lực lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence - AI) tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và từng bước khẳng định là công nghệ trụ cột, đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các cường quốc công nghệ từ lâu đã xây dựng chiến lược phát triển AI của riêng mình, lấy công nghệ này làm cốt lõi để tăng tốc phát triển kinh tế.

Trong vài năm qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã bắt đầu phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm giáo dục, thông tin - truyền thông, kinh doanh, thương mại, dịch vụ y tế - chăm sóc sức khỏe, và những lĩnh vực khác, không chỉ dần chiếm lĩnh thị trường mà còn thu về lợi nhuận khổng lồ.

Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo và con người: những tác động đa chiều của một cuộc cách mạng công nghệ”

Hiện nay, AI đang là tâm điểm của giới công nghệ toàn cầu và đang được chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư phát triển. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển này. Đầu năm 2021, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 với mục tiêu đưa Việt Nam vào 4 nhóm nước dẫn đầu ASEAN trong lĩnh vực này, hướng tới xây dựng thành công 10 thương hiệu AI uy tín trong khu vực.

Với tốc độ phát triển “thần tốc” như hiện nay, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo Việt Nam được dự báo sớm vươn lên tầm cao mới để cùng thế giới giải quyết các thách thức thế kỷ. Đây là khát vọng lớn, đồng thời cũng là động lực cho những ý tưởng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt.

Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam đang đối diện với không ít khó khăn. Để phát triển AI một cách toàn diện, Việt Nam cần giải quyết các bài toán về quản lý nhà nước, chính sách, khuôn khổ pháp luật, nguồn nhân lực, hạ tầng, hạ tầng dữ liệu và cách thu thập, khai thác nguồn dữ liệu lớn (Big Data).

Tại Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo và con người: những tác động đa chiều của một cuộc cách mạng công nghệ”, ông Nguyễn Hoàng Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật nêu lên thực trạng phát triển AI tại Việt Nam và tầm quan trọng của việc nhận diện các thách thức của AI trên các mặt của xã hội: “Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam đang đối diện với những khó khăn nhất định. Để phát triển AI một cách toàn diện, Việt Nam cần giải quyết các bài toán về: quản lý nhà nước, chính sách, khuôn khổ pháp luật, nguồn nhân lực, hạ tầng, hạ tầng dữ liệu và cách thu thập, khai thác nguồn dữ liệu lớn (Big Data). Ngoài ra, các ngành đào tạo về lĩnh vực AI ở Việt Nam còn non trẻ, đặc biệt là sự thiếu hụt bộ phận chuyên gia - giảng viên đào tạo về công nghệ này từ đó đặt ra những hạn chế nhất định cho sự phát triển nhân lực lĩnh vực trí tuệ nhân tạo”.

Ông Trần Đình Phong, Trưởng khoa Khoa học Cơ bản Trường Đại học Công nghệ Hà Nội cũng chia sẻ: “Sau hai năm khó khăn do đại dịch Covid-19, khoa học và công nghệ nói chung và của AI, khoa học dữ liệu nói riêng đã có đóng góp đáng kể. Trong thời kỳ hậu Covid với sự phục hồi của nền kinh tế, sự thay đổi trong lối sống xã hội, sự thay đổi trong cách con người tương tác với môi trường, thiên nhiên…, AI, khoa học dữ liệu thậm chí sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn".

Minh Hà