Giải pháp khoa học phòng chống Covid-19 giai đoạn mới

(SHTT) - Sáng 18/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi làm việc với các nhà khoa học đầu ngành để bàn giải pháp khoa học phòng chống dịch Covid-19.

Có thể thấy thời gian qua, khoa học công nghệ (KH&CN) đã có những đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng công nghệ góp phần nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19.

Trong đó, đã huy động lực lượng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở Việt Nam và doanh nghiệp triển khai theo quy trình, đặc biệt các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2, xây dựng phác đồ điều trị, sản xuất vắc xin phòng COVID-19, sản xuất kháng thể đơn dòng, robot và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát; thúc đẩy hợp tác công - tư trong hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ.

 Giải pháp khoa học phòng chống Covid-19 giai đoạn mới

Các nhà khoa học Việt Nam đã nỗ lực từ những ngày đầu, có đóng góp mang tính quyết định thành công trong phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết trong giai đoạn tới cần có các giải pháp ứng phó khắc phục tác hại của dịch bệnh, giải pháp khôi phục kinh tế. Bộ trưởng mong muốn các nhà khoa học tiếp tục có những đóng góp để Việt Nam có thể chủ động trong phòng chống dịch bệnh theo phương châm "thích ứng an toàn - linh hoạt".

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, mặc dù tỷ lệ người dân được tiêm vaccine ngày càng tăng, tuy nhiên do nCoV thường xuyên biến đổi tạo ra các chủng mới có nguy cơ kháng lại vaccine, vì vậy nguy cơ dịch bệnh bùng phát còn rất cao.

Theo đó, giai đoạn tới ngành khoa học tập trung bảy nghiên cứu, trong đó có vaccine và thuốc điều trị; hội chứng hậu Covid; hỗ trợ hoàn thiện công nghệ máy thở oxy dòng cao (HFNC), hệ thống làm giàu oxy và khí nén sử dụng trong y tế di động; các phương pháp xét nghiệm mới phát hiện nCoV qua mẫu bệnh phẩm là nước bọt, hơi thở, các nghiên cứu đánh giá tác động đến kinh tế và khuyến nghị các mô hình hoạt động giáo dục, y tế thích ứng trong giai đoạn mới.

Cụ thể Việt Nam sẽ nghiên cứu sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19, mục tiêu làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu năm loại vaccine, trong đó ưu tiên vaccine Covid-19, vaccine ung thư, vaccine phối hợp nhiều thành phần. Các nghiên cứu sản xuất KIT định lượng và khả năng trung hòa của kháng thể kháng nCoV cũng được triển khai.

Minh Hà