Những chiêu trò vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử

(SHTT) - Các lực lượng chức năng liên tục phát hiện và xử lý hàng loạt các vụ lợi dụng sàn thương mại điện tử (TMÐT) để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng nhái hàng giả. Tuy nhiên những chiêu trò vi phạm vẫn ngang nhiên hoành hành.

 Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, mua sắm online đang là lựa chọn hàng đầu của rất nhiều người. Bởi lẽ hình thức mua sắm này không chỉ giúp dân tình tiết kiệm được thời gian ra ngoài lựa chọn đồ đạc mà có đôi khi các sản phẩm trên mạng lại còn rẻ hơn niêm yết ở ngoài rất nhiều. Xu hướng kinh doanh mới đã tạo cơ hội làm ăn cho nhiều người. Tuy nhiên, gian lận thương mại trên môi trường mạng cũng bùng phát mạnh mẽ hơn, do lượng giao dịch lớn. “Cuộc chiến” với hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vì thế trở nên gian nan hơn với lực lượng chức năng.

Thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng phản ánh việc đặt mua hàng trên các website thương mại điện tử (TMĐT) nhưng sản phẩm kém chất lượng, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng. Quá trình xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận, lực lượng QLTT cũng gặp không ít khó khăn do các trang website TMĐT không cung cấp địa chỉ, thậm chí cung cấp địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân, là chung cư…

Những chiêu trò vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử 

Mặt khác, các website TMĐT thường đăng tải các hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng... Đáng chú ý, trên các trang mạng xã hội xuất hiện tình trạng chào bán hàng cấm kinh doanh là các loại thuốc chưa lưu hành; thuốc lá điếu, xì gà nhập lậu.

Hiện, một số hành vi vi phạm trên TMĐT như đăng tải các hình ảnh, thông tin về thuốc chữa bệnh có kê đơn, rượu, thuốc lá lậu… nhưng chưa có chế tài xử lý. Nhiều đơn vị lợi dụng các ứng dụng trên website hoặc ứng dụng di động để viết bài tư vấn về tác dụng của sản phẩm nhưng không đúng về công dụng của sản phẩm gây hiểu nhầm cho khách hàng.

Khó khăn lớn nhất mà lực lượng chức năng phải đối mặt trong việc ngăn chặn việc bán hàng giả thông qua TMĐT là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận.

Bên cạnh đó, hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian, đồng thời các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn, khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, cũng như khó xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý; ngay cả khi kiểm tra, xác minh được kho hàng cũng khó xác minh chủ kho hàng là ai.

Không chỉ vậy, viện việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch TMĐT, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn bởi lực lượng QLTT không có thẩm quyền đề xuất lấy các sao kê ngân hàng, theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng.

Để cất giấu và vận chuyển hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu trên mạng thường xuyên lợi dụng kho hàng, xe hàng của các hãng chuyển phát, giao nhận nhưng lực lượng QLTT không có thẩm quyền dừng xe, mở niêm phong kiểm tra.

Minh Hà