Chân dung 2 nhà báo được trao giải Nobel Hòa bình 2021

(SHTT) - Giải thưởng Nobel Hòa bình 2021 thuộc về hai nhà báo điều tra – nhà báo người Philippines Maria Ressa và nhà báo người Nga Dmitry Muratov.

Theo lời phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Nobel NaUy – bà Berit Reiss-Andersen khi công bố giải, hai nhà báo được vinh danh vì đã dũng cảm có các nỗ lực bảo vệ tự do ngôn luận ở Philippines và Nga.

“Nền báo chí tự do, độc lập, và dựa vào sự thực nhằm chống lại sự lạm dụng quyền lực, sự dối trá và cuộc chiến tuyên truyền” – theo bà Berit Reiss-Andersen.

Hai nhà báo Ressa và Muratov là các đại sứ của tất cả các nhà báo chiến đấu cho lý tưởng này trong một thế giới mà tự do báo chí đang ngày càng bị đe dọa.

Được biết, Maria Angelita Ressa, sinh năm 1963, là một nhà báo nổi tiếng gốc Philippines, đồng sáng lập và là giám đốc điều hành của tờ Rappler. Nhà báo Ressa sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình để bóc trần việc lạm dụng quyền lực, sử dụng bạo lực ở Philippines. Ressa đã chứng tỏ mình là một người dũng cảm ủng hộ cho quyền tự do ngôn luận với tư cách là một nhà báo và Giám đốc điều hành và là tổng biên tập của trang tin Rappler có trụ sở ở Philippines.

Hai nhà báo Maria Ressa (trái) và Dmitry Muratov được trao giải Nobel Hòa bình 2021  

Cùng chia sẻ giải thưởng với bà Ressa là ông Muratov - công dân Nga, 59 tuổi. Năm 1993, ông là một trong những người sáng lập tờ báo độc lập Novaja Gazeta và giữ chức tổng biên tập trong suốt 24 năm, kể từ năm 1995. Ông Muratov luôn bảo vệ quyền tự do ngôn luận của các nhà báo miễn là họ tuân thủ các tiêu chuẩn nghề nghiệp và đạo đức báo chí.

Giải thưởng Nobel Hòa bình danh giá đi kèm với huy chương vàng và số tiền thưởng trị giá 10 triệu krona Thụy Điển (hơn 1,1 triệu USD). Khép lại mùa giải Nobel 2021 sẽ là lễ công bố giải Nobel Kinh tế diễn ra vào ngày 11/10.

Được biết, giải Nobel Hòa bình được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1901 và cho tới nay đã có tổng cộng 101 giải được trao. Có 25 tổ chức và 17 phụ nữ là chủ nhân của Giải Nobel Hòa bình.

Năm 2020, giải Nobel Hòa bình 2020 thuộc về Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vì những nỗ lực chống nạn đói, đóng góp cải thiện điều kiện hòa bình ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột và đóng vai trò là động lực trong nỗ lực ngăn chặn việc sử dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh và xung đột.

Giải Nobel, là một giải thưởng quốc tế trao thường niên kể từ năm 1901 để vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực Vật lý, Y sinh, Hóa học, Văn học và Hòa bình; riêng giải Nobel Hoà bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế để tưởng nhớ nhà bác học Alfred Nobel, "cha đẻ" giải Nobel.

Hà Anh